Đường sách không phải ở Đinh Lễ

Dành cho những bạn luôn cảm thấy sợ cô đơn:

“Có phải mỗi người đều phải trải qua quá trình chiêm nghiệm về sự cô đơn trước khi thiết lập một mối quan hệ mới?” Chắc chắn phải như thế. Đó là một quy luật. Dù cho nó có thể làm bạn thấy nản lòng nhưng với tình yêu tự nhiên luôn chảy trong huyết quản, bạn sẽ làm được điều gì đó còn cao hơn cả tình yêu.” Trích “Joy The Happiness That Comes From Within – OSHO”, Bản dịch “Hạnh  phúc tại tâm” của Lê Thị Thanh Tâm, NXB First News.

Mở đầu bài phải có câu trích của Triết gia để ra vẻ “hàn lâm” chút xíu. Chủ yếu từ đây sẽ kể về việc đọc sách. Bởi vì đọc sách giúp “cứu rỗi” cả những người cô đơn, đến người cô độc, đến người đang yêu, và đến mọi người.

Thói quen là một trong những điều khó bỏ và cũng khó xây dựng nhất. Thói quen đọc sách, tỉ dụ mỗi năm đọc 12 cuốn, nghe chừng khó.

Những ngày học cấp 2, mình thường bớt lại tiền ăn sáng để mỗi tuần mua báo Tuổi trẻ Cười đọc (có khi nào cái tính trào phúng “bitchy” đã được nuôi dưỡng từ đấy không nhỉ) Hồi đó suy nghĩ rất đơn giản, đọc báo là để thêm kiến thức. Nhưng rồi cũng chính vì thế mà cứ “đau đáu” làm sao để biết hết được tất cả mọi thứ trong khi sách báo thì có quá nhiều mà tiền mình không có, cũng không đủ thời gian để đọc hết. Cũng nhờ đọc những bài châm biếm mình mới biết thế nào là tham quan, tham nhũng, hóa giá, phong kiến, gia trưởng, giá điện nước tăng, v.v…v những điều tưởng rất “dễ hiểu và ai cũng biết” nhưng làm gì có môn học nào ở trường dạy đâu. Thầy cô khi đó cứ bắt giải phương trình, phân tích đoạn văn, với đổi chỗ ngồi hoài.

Rồi bẵng thêm một vài năm mòn đít trên ghế nhà trường với cái yên xe đạp nữa. Ngày đó trong đầu đúng là chỉ có học với đọc. Học với đọc. Không phải học với học. Internet thì phải ra hàng quán 3k/tiếng (sau tăng lên 5k/tiếng mình ít đi hẳn) mà sách giáo khoa thì không thú vị một chút nào hết. Vậy mới hiểu tại sao mình cứ loanh quanh tìm cái gì đó ngoài sách giáo khoa để đọc. Báo bấy giờ cũng ít mua lại vì đã bắt đầu nhàm chán. Tiền tiết kiệm lôi ra cúng cho mấy phố sách cũ hết (À đấy còn chưa kể chuyện đi mua sách cũ mấy nghìn mà làm mất cả cái xe đạp gần triệu của bố mẹ) Cuồng quá, phải đọc để còn tranh thủ “hiểu biết” thêm chứ học ở trường, học thêm ở nhà thầy cô, các kiểu học để sau này thi đại học cho đỗ quả đúng không thể nào thấy tù hơn.

Nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại như thế bởi vì thi đại học mới là chuyện quan trọng nhất.

Những năm học đại học, tiền cũng vẫn chưa thấy rơi trên trời xuống mà mình còn phải học cho ổn để ra trường mới tìm được việc. Sinh viên nghèo lên mạng tải ebook lậu về đọc. Nhớ ngày đó có trang TVE mình hay vào tìm sách nhất, sau vì lí do bản quyền bị đổi sang tên trang khác. Gần cuối những năm sắp ra trường, mình cũng bắt đầu bỏ bê việc học. Cay cú nhất có lẽ là khi lịch đi tình nguyện trùng với lịch học. Mình bỏ tiết, đi tình nguyện. Ai cũng nói rằng sinh viên phải năng động, ra trường mới có nhiều cơ hội tìm việc làm. Rồi phải học kinh tế, tài chính, ngân hàng mới có việc lương cao. Mình cũng đú theo phong trào lại đăng kí cõng thêm một cái bằng nữa. Khi đó cũng hơi lo lo không biết ra trường có được lương tháng mấy chục củ cho bố mẹ nở mày nở mặt không. Học thì toàn chữ là chữ, rồi mấy chuyện tình cảm gà bông, mấy chuyện “body shaming” cùng lúc. Quấn quá không chịu nổi cái cảnh tù, tù,… tù mãi như vậy, mình cứ đi tình nguyện miết. Thích là đi, không còn tiếc hay sợ sệt vì bỏ tiết nữa. Sau này tìm được một công việc dạy thêm bù vào tiền ăn bám bố mẹ, mình cũng sống sót. À vẫn không dám mơ đến mấy chục củ một tháng đâu nhé.

Nghĩ lại những tháng ngày vừa dốt vừa nghèo đó, mình cũng hiểu cho bản thân tại sao cứ vùi đầu vào sách vở. Lúc đó cũng thật may mắn khi có một người bạn thân thường cùng mình đến phỗ Đinh Lễ mua sách. Mua cả hàng tá về hai đứa còn chưa đọc hết. Quay lại chuyện ở trường, chúng bạn suốt ngày bảo mày chăm học bỏ mẹ, lại còn chối (đấy còn chưa nói chuyện cổ súy việc học tài tử, chăm chỉ bị cho là “ngu mới chăm”, một trong những lối suy nghĩ vớ vẩn nhất ở Việt Nam) Đúng, mình cứ chăm chỉ đọc sách, còn sách giáo khoa thì muôn đời vẫn là sách giáo khoa, qua cả mấy thập kỷ chẳng hấp dẫn thêm chút nào. Và những lời chúng bạn nói thì ừ, chăm kệ mẹ tao:)

Đi tình nguyện, đi học, đi làm như chạy sô, mình cũng tranh thủ đọc được ít chút trước khi ra trường.

Phải kể lể như vậy mới rõ con đường sách chẳng dễ đi chút nào. Rồi mình cũng phải “cắn răng” tập đọc hàng ngày, hàng tuần. Nhiều khi ở Việt Nam mọi người “miệt thị” người đọc sách quá. Đọc sách bị cho là mọt sách, giả vẻ trí thức, bày đặt, mất thời gian, không thực tế, v.v…v Nói chuyện lối mòn suy nghĩ của người Việt thì nói đến sang năm cũng không hết.

Từ những gì đã trải qua, mình hiểu rằng đọc sách không dễ. Bỏ ngoài tai được những lời nhảm nhí kia đã khó, thường ta hay thích những thứ “ăn liền” và “cập nhật” như tin tức vì nó nhanh gọn. Còn sách nhiều khi là truyện, là lịch sử, là trải nghiệm,… những cái không thể ăn nhanh và cập nhật như tin tức hàng ngày. Đọc sách cần thời gian.

Nhưng đọc tin tức cũng được vậy. Quan trọng là mình chọn lọc và tỉnh táo. Tin tức có thể ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ, ứng xử, và cả cách tư duy của bạn. Ví dụ đơn giản như báo mạng Việt Nam có một số trang hay đăng các tin tức kiểu “diễn viên này khoe body nóng bỏng hút mắt bên xế hộp tiền tỉ mới tậu,” “ca sĩ kia mới sinh con nhưng đã lên mạng làm điều này” v.v…v. Tin tức không phải là kiến thức. Tin tức có thể giúp bạn cập nhật với cuộc sống và xu hướng xã hội. Nhưng nó cũng có thể “dắt mũi” bạn không chừng. Nói chung mình phải tỉnh táo, đọc có chọn lọc mới mong được… bình yên. Đọc riết mấy tin báo đưa về làn da trắng muốt không tì vết, hot girl ngực khủng, siêu vòng 3, v.v…v vậy rồi nghĩ phải như thế mới là đẹp. Rồi mới có người bỏ tiền đi tẩy trắng, bơm ngực, khoe mông tùm lum trên mạng xã hội. Đọc mà không bị ảnh hưởng thì tốt. Chừng nào mình không còn đọc những tin tức xàm xí đó nữa thì thực là… tiến thêm một bước đến bình yên.

Lải nhải một lúc cũng lâu, mình xin giới thiệu một số tiêu đề sách cho các bạn không có nhiều thời gian, và không kén chọn chủ đề. Sách không quá dài, mỗi ngày đọc 10 trang thoải mái, không đao to búa lớn gì nhiều. Đọc xong tự viết một bài review lại càng tốt.

  1. Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan             Nguyễn Công Hoan         NXB Văn học      2013
  2. Trăm năm cô đơn             Gabriel Marquez              NXB Văn học      2015
  3. Can đảm: Biến thách thức thành sức mạnh           OSHO    NXB Thế giới      2018

Ai bảo đọc sách là phải đọc sách nước ngoài, phải đọc sách tiếng Anh thì mới “chuẩn” v.v..v Văn học Việt Nam nhiều tác phẩm hay không kém. Dịch giả Việt Nam nhiều người giỏi không đếm xuể.

Đường sách còn dài. Nếu ai có sách hay muốn chia sẻ, xin để lại một tiêu đề. Xin cảm ơn

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s