1515 trang – 25 ngày
Mình không biết tiếng Trung, không hiểu cách dùng chữ của họ nên ấn tượng đầu tiên là về giọng văn của dịch giả Phan Kế Bính. Cách viết đơn giản, nhiều khi mộc mạc đến gần giống như văn nói, ngắn gọn, các đoạn dịch thơ rất súc tích nhưng vẫn có vần điệu. Đơn giản mà vẫn thú vị.
Truyện được chia thành các hồi. Mỗi hồi đều có tiêu đề tóm tắt và các trích các đoạn thơ về các diễn biến. Một số tình tiết hơi hư cấu, nhưng đều có ý của nó. Mới đầu đọc không quen, mình đọc thật là chậm. Truyện có rất nhiều nhân vật, nhớ tên và vai trò từng nhân vật nhiều khi cũng mất thời gian. Sau dần đọc quen mình mới bắt đầu nắm được tình tiết cụ thể.
Nói chung truyện kể về lịch sử Trung Quốc thời ba nước Ngô, Ngụy và Thục chiến tranh với nhau để rồi cuối cùng tất cả đều về tay nhà Tấn. Lịch sử nước nào cũng có cái thú vị của nó. Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung dù chỉ qua cách kể của một người, truyện vừa hay ở cách kể chuyện, vừa thú vị ở các nhân vật. Mỗi người một cảnh, một tính cách, một kết thúc nhưng ai cũng có lý tưởng của chính mình. Đọc ngẫm mới thấy cuộc đời nhiều người thú vị, mà gặp đúng người thì không có gì quý giá hơn.
Lưu Bị
Có tài có đức nhưng cũng kết thúc khi còn dở lý tưởng đời mình: giấc mộng thống nhất Trung Hoa để cùng hưởng phú quý với hai người em kết nghĩa. Tài năng của Lưu Bị trong truyện kể không quá xuất chúng ở thời của ổng dù sử sách Trung Quốc có ghi nhận tài cầm binh thao lược, phán đoán sự việc, tài nhìn người… Ttrong truyện kể do La Quán Trung, Lưu Bị được may mắn cái hay là ổng gặp được hai người em kết nghĩa tuyệt vời. Và Võ Hầu xuất hiện. Năng lực của họ đã giúp Lưu Bị trải qua nhiều bôn ba để xưng Vương và yên định nước Thục. Điều hay nhất ở Lưu Bị có lẽ là tài đức thu phục lòng người. Ở thời loạn lạc đó, nếu không thu phục được lòng người thì không thể làm nên chuyện. Sau này khi Quan Vũ và Trương Phi mất đi người ta lại càng cảm động và khâm phục tấm lòng nhân nghĩa của Lưu Bị.
Quan Vũ
Cũng là người anh hùng, gặp thời thế nhưng tiếc sao lại mỏng phận quá. Điều mình ấn tượng và khâm phục nhất là con người của ổng. Nhớ nhất là lúc loạn lạc Lưu Bị sang nương nhờ Viên Thiệu, Quan Vũ phải tựa vào Tào Tháo và chăm sóc Cam phu nhân và My phu nhân (hai vợ của Lưu Bị). Ở nơi xa mà một lòng trung thành vẫn nhớ về Lưu Bị, một lòng chăm sóc hai phu nhân và chưa từng làm sai điều gì với ai. Tào Tháo có cung phụng bao nhiêu ổng cũng không ngã lòng. Nhẫn nhịn nhưng không ấm ức. Phú quý nhưng không trễ nải. Tính khí khảng khái, tấm lòng trượng nghĩa, trung quân của Quan Vũ cũng khiến người đời khâm phục không kém gì Lưu Bị. Sau Quan Vân Trường mất rồi, mới hiển thánh là vậy.
Trương Phi
Võ tướng sau này cũng học được cách dụng mưu. Tấm lòng trung nghĩa và thẳng thắn không ai bằng. Nhưng rồi tính tình nóng nảy, Phi không được lòng quân. Từ đó mới dẫn đến họa vào thân. Vậy mới biết có tài giỏi cỡ nào, nếu không khiến người ta khẩu phục cả tâm phục thì không được bền lâu.
Tào Tháo
Truyện kể về Tào Tháo như một gian hùng thời loạn nhưng ai cũng phải thừa nhận Mạnh Đức có tài cầm binh thao lược, khôn khéo ứng xử, và khéo biết trọng dụng người tài. Bởi vậy nhiều nhân tài và anh hùng đi theo, thậm chí hi sinh cả bản thân mình vì sự nghiệp lớn của Tào Tháo như Điển Vi và Hạ Hầu Đôn. Dù chính nghĩa hay phản diện, Mạnh Đức cũng có ý chí của mình, có năng lực, thu phục được lòng người, và cũng thành công nhiều chứ không ít. Tào Tháo thực sự là người rất giỏi dùng người, nhiều mưu mẹo, và cũng biết trọng người hiền. Giờ nghe người ta nói “đa nghi như Tào Tháo” có lẽ vì rằng Mạnh Đức thành thục binh pháp, nhiều mưu mẹo, và “thà phụ người chứ không để người phụ ta” mà quyết không dễ dàng tin ai bao giờ. Nhưng thời thế tạo anh hùng đâu có sai. Tào Tháo giỏi bao nhiêu cũng là ý đồ chống lại nhà Hán, khi đó là phản nghịch, là trái đạo lý nên rồi cũng kết cục gãy ngang.
Khổng Minh
Gia Cát Võ hầu quả thực tài năng không ai sánh bằng, theo Lưu Bị nuôi chí khôi phục nhà Hán, cũng là người tài đức song toàn nhưng số trời đã định. Cái chết của Khổng Minh là cái chết đã biết trước. Võ hầu điều khiển được cả thiên thời biết trước được cả kết cục, nhưng rồi cũng không lại được với trời. Ổng có lẽ là người đau khổ nhất khi chứng kiến Lưu Bị, Quan Vân, Trương Phi, Bàng Thống, Trương Tử Long và Hoàng Trung lần lượt ra đi. Võ hầu còn nuôi chí lớn rồi cũng theo số trời mà buông. Bởi vậy người ta nói có những điều không thể thay thổi được. Người tính không bằng trời định. Chỉ biết rằng phải sống hết mình với ý chí của mình, thì dù kết cục có ra sao cũng không hối tiếc. Ngày Khổng Minh được Lưu Bị ba lần đến nhà tranh mời ra quân, Khổng Minh khi đó 27 tuổi.
Triệu Tử Long
Võ tướng hai lần cứu chúa, xông pha trận mạc hơn mấy chục năm, đến tận năm bảy mươi tuổi vẫn vì lý tưởng của chúa mà ra trận. Trong truyện có rất nhiều võ tướng giỏi nhưng mình ấn tượng nhất vẫn là Thường Sơn Triệu Tử Long. Ổng một lòng một đời trung thành, chí khí trượng nghĩa, không màng vinh hoa phú quý. Lưu Bị mới gặp đã thầm quý mến Triệu Tử Long, thật đúng có mắt nhìn người.
Bàng Thống
Từ Thứ trước khi vì mắc mưu của Tào Tháo mà sang nước Ngụy đã khóc nói với Lưu Bị rằng: Ngọa Long Phượng Sồ chỉ cần được một trong hai người đấy giúp sức thì có thể lấy được cả thiên hạ. Ngọa Long là người ta gọi Gia Cát Lượng. Phượng Sồ chính là Bàng Thống, ngoại hình xấu xí nhưng tài năng ngang Võ hầu. Lưu Bị đã từng có cả hai giúp sức, tưởng đâu nên việc lớn, ai ngờ Bàng Thống mắc mưu mà chết dưới làn tên. Bàng Thống chết năm 35 tuổi.
Lã Bố
Đúng là anh hùng này không qua nổi ải mỹ nhân, nhưng ngẫm lại con người của Lã Bố có phải thực sự trượng nghĩa anh hùng? Phụng Tiên là võ tướng giỏi nhưng thử hỏi nhân nghĩa ở đâu mà hai lần giết “cha nuôi” vì lời người khác và không biết bao lần phụ bạc tướng này để theo tướng khác. Cuộc đời Lã Bố trong truyện có lẽ khúc thú vị nhất là khi Điêu Thuyền xuất hiện. Bố cũng phục bạc người vợ đồng cam cộng khổ để ưu ái Điêu Thuyền. Bố dù có là mãnh tướng, không bỏ được sân si, không học được trung nghĩa, vong ân bội nghĩa, rồi nhận bi kịch. Truyện kể hợp lý về cái kết cho một người như Lã Bố.
…
Anh hùng cũng khóc
Nhiều người nói rằng đàn ông rất ít khóc. Đọc Tam quốc diễn nghĩa mình thấy các nhân vật nam khóc vì hai điều. Một là khi cảm động trước tình nghĩa. Không biết bao nhiều lần truyện kể các nhân vật rỏ nước mắt khóc vì ân tình của họ dành cho nhau. Quan lại khóc lóc khi vua chúa phải chịu thiệt thòi. Huynh đệ khóc lóc vì chia lìa rồi đoàn tụ. Binh sĩ và nhân dân khóc lóc vì cảm thương và biết ơn công đức của người hiền… Và khóc vì lý tưởng. Những người tài đó trước khi chết mà chưa hoàn thành lý tưởng đều khóc và giao phó lại cho người sau. Anh hùng trận mạc xông pha gặp thế cùng cũng khóc vì chưa báo đáp được người hiền. Mãnh tướng cũng khóc vì lý tưởng chưa thực hiện được mà gặp khó khăn khôn cùng… Đó là sự cảm động của những tấm lòng có đức và có nghĩa. Đó là sự day dứt của một tấm lòng còn đang sống.
Chết vì lý tưởng
Sống vì lý tưởng, chết cũng vì lý tưởng. Có vậy bao nhiêu nhân vật trong truyện mới tự vẫn để được trọn vẹn. Đó là sự dấn thân vì lý tưởng. Cái chết trong truyện là một điều dễ dàng, thậm chí đối với những nhân vật nữ. Chết vì lý tưởng không ai ngần ngại. Các nhân vật từ võ đến văn không biết bao nhiêu người vì giữ đạo nghĩa của mình mà tự vẫn. Rồi lý tưởng đâu cần quá lớn lao. Có Lưu thị bày mưu giết kẻ ác báo thù cho chồng rồi tự vẫn để thủ tiết. Chỉ biết mỗi cuộc đời có một lý tưởng, dù là dựng nghiệp bá vương lớn như các anh hùng thời loạn, hay sống bình dị như một người dân thường ở bất cứ đâu, đều cần phải có. Sống vì đó mà chết cũng vì đó.
Tình nghĩa sâu nặng
Cảm động nhất có lẽ là tình huynh đệ kết nghĩa vườn đào khi đó của Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi. Cùng chung lý tưởng, cùng vượt qua khó khăn, phú quý cũng không thể chia lìa. Khi biết tin Quan Công mất, Lưu Bị và Trương Phi khóc lóc thảm thương. Tình cảm giữa người với người được vậy mới quý làm sao. Vậy mới nói đời người là hữu hạn, gặp được người hiền thật không còn gì phải nuối tiếc nữa.
Thời thế tạo anh hùng
Trong lịch sử của Trung Quốc khi đó, chỉ có lòng trung quân là lớn nhất. Vậy mới có chuyện Lưu An giết vợ cắt thịt nấu bữa thịnh soạn mời Lưu Bị. Lòng dân khi đó coi vua quan là trên nhất, gia đình xếp thứ sau. Khi thời loạn lạc đến, người ta mới theo những người tài đức. Người nào thu phục được lòng quân và dân mới mong nên nghiệp. Trung Quốc thời loạn rồi bình. Bình an rồi lại loạn lạc, mọi thứ đều đến hồi của nó. Vậy nên khi bắt đầu loạn giặc Khăn Vàng, mới có anh hùng Lưu Bị, Quan Vũ, và Trương Phi. Có Hà Tiến suy đồi mới để Đổng Trác làm loạn… Khi đến thời điểm, chuyện gì đến sẽ phải đến. Khi đương thời loạn, không phải người này cốt anh hùng, thì người khác cũng vươn lên. Anh hùng không làm nên thời thế. Thời thế khi đó mới là đất sinh ra anh hùng. Những người có lý tưởng, có chí lớn mới đứng lên làm thay đổi thời cuộc. Còn chúng mình bây giờ thời cuộc ở đâu? Thời thế như thế nào? Bão hòa rồi làm sao?
Lịch sử là quá khứ. Truyện được kể qua cách nói của một người. Nhưng những điều thú vị ta đã thấy ở các nhân vật là không thể bỏ qua. Khép lại một cuốn sách dài hơi mà đọc xong cũng vừa hết hơi. Truyện dài nên các bạn có thể tìm đọc tóm tắt và các bài bình luận trên mạng. Bạn nào thích có thể xem phim. Bạn nào biết cuốn lịch sử Việt Nam nào kể theo truyện như vậy thì làm ơn chia sẻ cho mình với nhé. Xin cảm ơn:)