Mọi người đều thấy các tài liệu, khóa học, thầy cô, v.v..v dạy tiếng Anh ở Việt Nam bây giờ chắc phải gọi rằng đã “bão hòa” vì nó quá nhiều. Quá nhiều sự lựa chọn cũng là một cái dở khi mà nó làm mình phân vân và rối trí. Nhiều người đã chia sẻ rất hay về việc học tiếng Anh ở Việt Nam rồi, nên giờ mình sẽ không nói cụ thể về việc học tài liệu gì, ở đâu, như thế nào. Mình chỉ mong chia sẻ 3 điều mình rút ra từ kinh nghiệm bản thân khi học ngoại ngữ.
Khi mình muốn học được mà mình ngại? Làm sao phải ngại? Ở Việt Nam ngày trước khi mình cũng mới tập tọe học tiếng Anh, mình đã thấy mọi người thường hay ngại. Mọi người sợ bị đánh giá vì cảm thấy tự ti khi mình học không tốt bằng người khác. Mình chỉ nghĩ đơn giản, tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, người giỏi đến mấy cũng đã từng có ngày học từ những chữ cái đầu tiên. Và quan trọng hơn hết là, không ai có quyền được phán xét bạn dù người ta có giỏi hơn bạn đi chăng nữa. Bản thân việc so sánh đã là vô nghĩa. Bạn học theo cách của bạn, nhịp độ của bạn, khả năng của bạn, và mục tiêu của bạn. Người khác học thế nào là việc của họ. Đừng dại so sánh mình với người khác rồi cảm thấy tự ti mà chùn bước. Còn những người học tốt hơn bạn, dẫu họ có chê cười, tại sao bạn phải phiền lòng? Lời nói chê cười người khác là lời xấu xa. Lời xấu xa đó phun ra từ miệng của người khác. Bạn làm việc của bạn, sống cuộc đời của bạn, đừng để những người tiêu cực làm ảnh hướng đến mình.
Ngày mình học đại học lớp tiếng Anh, gần một phần ba lớp đến từ các trường chuyên ở tỉnh. Khỏi phải kể về quan điểm học trường chuyên là giỏi ở Việt Nam, mình khi đó cũng bị ảnh hưởng nên tự ti vô cùng. Từ quê lên phố, nói giọng địa phương, xuất thân trường làng… trong khi các bạn học trường chuyên ở tỉnh, hoặc nhà trên phố, học trường chuẩn quốc gia… Các bạn đang ở “gần vạch đích” hơn mình một bước rồi, mà nghe nói ở đây người ta học giỏi lắm… Khó quá, khó quá… Giảng viên dù tâm huyết nhưng có phần máy móc và “cào bằng” giáo án. Cùng một phương pháp dạy có khi thầy cô dùng y nguyên từ khóa sinh viên này sang khóa khác, từ lớp này sang lớp khác, từ sinh viên giỏi đến sinh viên sắp giỏi, v.v…v
Rồi mình phải ráng mà tự học. Sinh viên nghèo từ quê lên đâu có tiền đi chơi, cũng không biết đường xá như thế nào, con người tốt xấu ra sao… mình ở nhà suốt. Mỗi lần làm việc nhà, nấu ăn, dọn dẹp, mình lại mở đài Radio BBC nghe. Hồi đầu mệt mỏi và chán nản vô cùng vì giọng Anh Anh đã khó hiểu, người ta lại nói nhanh. Mình đâu hiểu gì đâu. Cứ như vậy song song với việc học ở trường Đại học. Được vài tháng, mình bắt đầu hiểu được người ta nói cái gì và thấy.. thích.
Nhờ đó cho mình động lực để tiếp tục nghe, đến tận bây giờ đi làm rồi, điện thoại mình vẫn cài đặt đến 3, 4 Radio chỉ để nghe ngoại ngữ. Sang năm thứ hai đại học, kết quả học tập của mình cũng tốt lên, đặc biệt là kĩ năng nghe nói. Đọc viết thì thời đó đâu dám đua lại các bạn học trường chuyên. Nghĩ lại thấy tội nghiệp cho cô sinh viên đó ghê.. đến giờ vẫn còn tủi tủi… Giờ mình dùng tiếng Anh hàng ngày, cảm thấy là một chuyện rất bình thường. Ngày trước chỉ dám ước trời ơi, bao giờ mình mới nghe nói được, chứ không bao giờ dám nghĩ một ngày có thể nói tiếng Anh để sinh sống và làm việc.
Chắc các bạn đều biết ở Việt Nam học tiếng Anh nhiều người đọc viết rất tốt. Đa số đó lại không tự tin về kĩ năng nghe nói. Những người thành thạo cả 4 kĩ năng đó thì họ đi làm thầy, đi dạy, đi nghiên cứu… còn mình học làm gì? Có bạn học để thi lấy chứng chỉ xin việc, xin học bổng, đi du lịch, và có người chỉ vì thích nghe hiểu bài hát tiếng Anh! Thời gian là có hạn nên mình đâu thể cày cuốc luyện tập ngày đêm được. Giờ con nhỏ mình phải chăm, rồi có người công việc ngày 10 tiếng ở công ty đủ thứ mệt mỏi, có người khi có thời gian lại có tuổi, có người muốn học không biết bắt đầu từ đâu… muôn vàn điều khiến cho mình khó lòng sung sức mà học như học sinh sinh viên được.
Vậy nên một trong những điều quan trọng nhất là biết mình muốn gì để đặt mục tiêu hợp lý. Mình học tiếng Anh để đọc báo nước ngoài, nghe nhạc tiếng Anh, thỉnh thoảng đi Bangkok chơi thì nói được chút xíu… vậy đâu cần đi học IELTS, đâu cần bắn tiếng Anh như gió, đâu cần tự ti cho mệt cái đầu. Sau nhiều năm tự ti về nhiều điều, mình học được rằng, ai cũng tự ti, cũng có điều khó nói rất thầm kín… vì đâu có ai hoàn hảo. Bản thân mình tự biết mình muốn gì, mình là người như thế nào, mình có thể làm được điều gì. Như vậy mới “thanh thản” sống cuộc đời của chính mình, học tiếng Anh theo cách của mình, bỏ ngoài tai những lời phán xét, và không bao giờ phán xét người khác.
Vậy chỉ có 3 điều mình xin gửi đến các bạn muốn học tiếng Anh mà sắp tuột gánh:
Một là không ngại. Không ngại khó, không ngại mất thời gian, không ngại người khác nhìn vào.
Hai là luyện tập. Ngoại ngữ đến từ bên ngoài, không luyện tập thì không bao giờ học được.
Ba là biết mình muốn gì. Biết được mục tiêu của mình là gì và mình có thể làm gì để học theo cách mình đã chọn mà không ngã lòng giữa đường.
Mình cũng muốn viết cụ thể hơn về cách học tiếng Anh và các tài liệu mình biết nhưng nghĩ lại, mỗi người một cách học. Cách hợp lý với người này chưa chắc đã hiệu quả với người khác. Nên mình chỉ mong 3 điều đã chia sẻ có thể giúp bạn chuẩn bị về mặt tinh thần để tiếp tục việc mình đã chọn. Tinh thần vững vàng, hãy sống cuộc đời của chính mình, và học thêm một ngoại ngữ nhé.