30 ngày viết chuyện đi làm

Hôm đó mình hơi bị sốc. Sốc hơn nữa là đến mức mọi người ai cũng sợ mình bị tổn thương. Từng người lại ôm mình rồi an ủi. Sau đó vào mách chuyện với manager, xong việc chính rồi, tự nhiên ổng nói đến chuyện khác.

Sếp nói “Nhiều khi cách mình ăn mặc cũng ảnh hưởng đến việc người khác nhìn nhận và tôn trọng vị trí của mình như thế nào. Ở mỗi vị trí nhất định, mình nên cân nhắc ăn mặc phù hợp để tạo ra “ranh giới” nhất định phân biệt mình với các vị trị khác.” Hơi bất ngờ vì bị nhắc chuyện không liên quan nhưng theo phản xạ, mình nhìn lại thấy đôi giày thắt dây, quần bò, và áo sơ mi kẻ mình mặc hoài… nên tự cười thầm haha

Nhân dịp nhớ lại chuyện này, mình sẽ chia sẻ một số điều mình học được sau một tháng viết nhật kí đi làm. Cách đây một thời gian, mình có quyết định mỗi ngày đi làm về, dành ra 5 phút viết lại ngắn gọn những điều mình rút ra từ ngày hôm đó. Sau 30 ngày, mỗi ngày khoảng 3-4 điều, mình thấy cũng thú vị đấy chứ. Không có chọn lọc gì nhiều,

Một,

Có ba kiểu người chính ở nơi làm việc. Mình nên biết phân biệt rõ ràng để làm việc hiệu quả.

Những người chỉ làm đúng mức công việc được giao. Những người làm ít hơn việc cần làm. Những người cố gắng hơn người khác để làm không những tốt, mà tốt hơn mức yêu cầu. Mình là ai, mình muốn gì từ công việc này, từ đó quyết định mình là kiểu người nào. Và quan trọng không kém, là khi mình làm việc cùng hai kiểu người còn lại thì làm như thế nào. Hiểu được đồng nghiệp là kiểu người nào sẽ giúp mình biết cách ứng xử và hợp tác với họ hiệu quả.

Hai,

Có những người không biết cách tiếp nhận lời góp ý của người khác.

Nhiều người sẽ trân trọng và biết ơn những người góp ý cho mình. Nhưng cũng có những người không biết tiếp nhận nó, rồi phản ứng tiêu cực. Mình phải học cách để bản thân không bị ảnh hưởng tiêu cực từ những con người này. Gần đây mình đọc được một câu chuyện cũng khá khá thú vị. Anh chàng nọ định cứu một con rắn không may rơi vào giữa đống lửa. Anh vội giơ tay định túm lấy con rắn thì bị nó cắn. Anh ta tìm được một cái que sắt rồi gạt con rắn vứt ra khỏi đống lửa. Bạn anh hỏi sao bị rắn cắn mà vẫn cố giúp. Anh ta nói chuyện con rắn cắn là bản năng của nó. Việc đó không ảnh hưởng gì đến lòng tốt của tôi muốn giúp nó. Bản gốc “The nature of the snake is to bite, but that’s not gonna change my nature, which is to help.”

Ba,

Bớt nói lại và làm nhiều hơn.

Nhiều khi người ta không trân trọng mình cho đến khi thấy được những việc mình làm. Ở nơi làm việc, có nhiều người nói rất nhiều nhưng không thấy làm bao nhiêu. Mình cứ âm thầm làm việc của mình thôi. Có những việc mình làm xong rồi. Phải đến khi đó người ta mới nhận ra giá trị của một người chứ không phải những lời hứa hẹn năng nổ của người nào cả.

Bốn,

Không bao giờ phàn nàn. Luôn nói một cách mang tính xây dựng.

Mình vốn kỹ tính trong công việc nên rất dễ nhận ra các điểm yếu và thiếu sót ở nơi làm việc. Nhưng trước khi chia sẻ với người khác, mình đều tự suy nghĩ tìm cách giải quyết trước. Điều này có thể không cần thiết với nhiều người. Nhưng đó là cách mình đóng góp vào công việc chung. Mỗi vấn đề đều được trình bày cùng với các hướng giải quyết. Ngoài ra, mình thấy nhiều người thích tụ tập lại chê bai công ty, nói xấu sếp, v.v..v vậy sao không nghỉ việc? Phàn nàn chê bai công ty với sếp trong khi người ta là người trả lương nuôi sống mình ư?? Nếu bạn buộc phải làm công việc này trong khi chưa tìm được việc mới tốt hơn thì cũng đừng suốt ngày kêu ca, chê bai nghiệt ngã như vậy… rất không hay.

Năm,

Viết bằng tay giúp tư duy tốt hơn.

Những khi có ý định làm gì hoặc ý tưởng, mình luôn cố gắng viết ra ngay lập tức, viết bằng tay càng tốt. Một phần vì sau này sợ quên, một phần vì càng viết càng giúp suy nghĩ tốt hơn.

Sáu,

Lạc lõng ở nơi làm việc là chuyện bình thường.

Nhiều khi mình không hòa nhịp được với đồng nghiệp trong một số khoảnh khắc nào đó. Lạc lõng một chút không sao cả. Đừng mang trong lòng tâm lý tự ti chỉ vì một khoảnh khắc “lạc loài”. Miễn rằng mình luôn cư xử lịch sự, không làm hỏng không khí chung của nhóm.

Bảy,

Không âm thầm phán xét đồng nghiệp. Cũng không túm tụm nói về người khác.

Mỗi người có một cuộc đời riêng. Bạn biết tên, tuổi và gặp họ ở nơi làm việc nhưng bạn không biết những gì họ đã trải qua. Vậy nên đừng bao giờ so sánh và phán xét người khác. Ngày trước ở Việt Nam đi làm, mọi người trong công ty hễ rảnh thường xúm xít lại nói về chuyện đời tư của người khác. Mình không chịu được cảnh tụm năm tụm bảy bàn tán về đồng nghiệp trong công ty như thế nên đã tìm cách “chạy trốn”…

Tám,

Không bao giờ bỏ bữa. Có sức khỏe mới có tinh thần tỉnh táo làm việc.

Chín,

Hãy luôn chủ động làm việc khó hơn.

Mình phải cố gắng một chút, nắm lấy cơ hội đó. Cơ hội mà có nhiều thách thức mới thật hấp dẫn. Nhiều khi phải “ép” bản thân làm việc khó hơn một chút, mới có thể tiến bộ được. Phàm việc gì dễ dàng quá làm đã quen, thì khó tìm thấy cơ hội tiến bộ. Mình nhớ từng nghe ở đâu đó rằng, khi được giao cho một việc khó, bạn cứ gật đầu đồng ý trước đã, rồi tìm cách làm sau.

Mười,

Thật tốt nếu có tình hài hước đúng lúc với đúng người.

Hài hước một chút giúp mình hòa đồng với mọi người. Đa số mọi người ai cũng thích những người hài hước vì làm cho họ cảm thấy thoải mái. Nhưng cũng nên để ý rằng nhiều khi không phải ai cũng hiểu được ý mình, và nhiều khi hài hước lại kém duyên, đặc biệt là ở nơi làm việc. Vậy nên vẫn cần chọn lọc bối cảnh và khán giả trước đã.

Mười một,

Công việc là nơi hợp tác, không phải nơi để yêu và ghét.

Không nên để tình cảm suy nghĩ cá nhân ảnh hưởng đến công việc. Ở chỗ làm nào cũng có những người rất khác biệt với bản thân mình, và thậm chí còn rất khó làm việc cùng. Nhưng công việc là công việc, mình cần phải phân biệt được suy nghĩ cá nhân với thực tế để làm việc vì mục tiêu chung.

Advertisement

3 thoughts on “30 ngày viết chuyện đi làm

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s