Bạn dám chắc không bị tổn thương?

Từ rất lâu rồi, ngày mình mới vào lớp 1, vâng, lớp 1… ở Việt Nam ngày trước, người ta nói “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” nên mới có kiểu gửi con về nhà thầy cô chủ nhiệm để học thêm ngoài giờ ở trường. Như vậy nghe đồn vừa để giúp trẻ mau chữ, vừa giúp thầy cô kiếm thêm thu nhập mà phụ huynh lấy được lòng thầy cô. Nhà mình dù nghèo, mẹ mình cũng gắng làm theo. Mình nhớ mãi một lần đi học ở nhà cô giáo chủ nhiệm lớp 1. Lúc ngồi học ở cái bàn oval bằng gỗ nâu to tướng, bóng loáng trong phòng bếp nhà cô, không hiểu mình đã mắc lỗi gì, bị cô tát một cái như trời giáng. Mình không dám khóc, sau đó về nhà cũng không dám mách mẹ. Lúc đó chỉ dám tự nghĩ trong đầu là tại mình, tại mình sai, mình không được cãi, cô mà không thương là cô không dạy cho, mình mà mách mẹ có khi mình bị đuổi, lại uổng công mẹ xin học, mất tiền cho mình…

Có lần mình được chọn tham gia một cuộc thi ở trường cấp 2. Trước ngày thi, cô giáo chủ nhiệm gọi mình lại dặn dò nói mình về bảo mẹ mua một ít quần áo đồng phục đẹp. Hồi đó đi học đồng phục là các phụ huynh tự mua cho con, miễn là quần tím than hoặc màu đen, áo màu trắng. Mỗi tuần trẻ đi học sẽ mặc đồng phục 2 lần, đầu tuần và cuối tuần. Mà thầy cô nói thì học trò nghe lời. Cũng phải mất mấy hôm mẹ mới mua được quần mới. Nguyên bộ đã chuẩn bị cũng tươm tất đầy đủ, chứ không rách ở đâu hết. Trước lúc lên sân khấu, mình nhớ mãi cảnh cô giáo cầm cặp quần tím than của mình giũ giũ nhiều lần, phủi bụi và có vẻ chê vì cũng không phải quần đẹp. Mình chỉ thấy quần có sờn nhưng đâu có rách. Gấu quần có xẻ hai bên vì hình như là kiểu mà. Cô còn hỏi liệu mình ở nhà có quần nào đẹp hơn không. Mình im lặng, rồi bước ra sân khấu, giành giải nhất.

Cũng thời điểm học cấp 2, sau đó chừng một hai năm, mình được chọn vào đội luyện thi, chuẩn bị cạnh tranh với các trường khác trong thành phố. Quan trọng là mình được chọn vào đúng môn học mình yêu thích. Sau đó mấy hôm, một giáo viên môn học khác gọi điện đến nhà mình hỏi liệu mình có muốn tham gia đội của cô không. Mình tất nhiên nói không, vì mình đã được chọn cho môn học mình yêu thích, không thể bỏ lỡ cơ hội này được. Lần đầu tiên nói không với thầy cô, mình có chút hơi sợ nhưng vì không còn cách nào khác. Thời đi học mà trái lời thầy cô là chỉ có nhóm học sinh cá biệt. Máu liều nó bắt đầu từ đấy chăng?

Bây giờ mình mới nhớ ra, cũng là cô giáo chọn hụt mình khi đó, là người đã phớt lờ mình ngồi khóc sưng mắt trong lớp một năm sau đó. Lúc đó mình đã nghĩ, có thể là cô lựa chọn cách phớt lờ mình vì nghĩ học sinh tuổi teen trêu chọc nhau nên làm mình làm mẩy. Có lẽ cô không hề hỏi han gì vì sợ mình làm quá lên và mang tiếng bênh vực học sinh nữ. Nhưng rồi vết rách vừa đỏ vừa rõ trên mặt mình khi đó thì sao? Mình cãi nhau với đứa bạn cùng bàn, nhưng thân thủ kém nên trúng ngay một chưởng giữa mặt, sau đó phải bôi nghệ cho đỡ sẹo cả tháng trời. Về nhà bố mẹ hỏi mà ăn cơm chan nước mắt. Nghĩ lại vừa buồn cười vừa thương ghê chứ.

Gần cuối những năm cấp 2 rồi, có lần mình quên mua đồ trực nhật cho lớp, và một số việc gì nữa mình không nhớ rõ, cô giáo chủ nhiệm ghi trong sổ liên lạc rằng “Cô rất thất vọng về em.” Lần đầu tiên sau nhiều năm đi học, mình thấy nản lòng vô cùng. Sau bao nhiêu nỗ lực cố gắng, mình cũng không được thừa nhận. Nhưng một lần sai sót là nhận lại lời chua xót như vậy. Đúng là khi bạn mắc lỗi, người ta chỉ nhìn thấy 1 lỗi đó trong vô vàn những điều tốt bạn đã làm được. Cho dù bạn là một đứa trẻ!

Ngày lên cấp 3, lớp học chuyên Anh nhưng background thì vô vàn lắm. Có các bạn cũng học trường chuyên từ hồi cấp 2. Mình thì học trường bình thường, không có gì nổi bật. Sau học kì đầu tiên năm lớp 10, mình nhớ mãi cô giáo chủ nhiệm đã khen mình trước tất cả mọi người rằng mình “đã vượt lên top đầu của lớp sau rất nhiều nỗ lực đáng khen.” Sau này cô còn ghi vào học bạ rằng mình có “năng khiếu” học môn học này. Rồi cô cũng chọn mình vào đội để luyện thi, cạnh tranh với các trường cấp 3 trong tỉnh. Mình không có gì có thể đem ra so sánh được với các bạn khác trong đội. Nhà ít điều kiện hơn, học kém hơn, ít nói hơn… nếu bạn muốn so sánh. Mình thực sự đã rất cố gắng, và rồi cũng giành giải ba, giải cao nhất đội mình đạt được.

Ngày học đại học, như đã kể ở một số bài trước, sinh viên quèn từ quê lên phố như mình, chắc không cần nhắc lại độ tự ti như thế nào. Buổi học đầu tiên của thời sinh viên là tiết học với cô giáo trẻ khi đó 25 tuổi, dùng điện thoại iPhone bằng tiền tự mua, bố mất khi cô còn đang đi học, cô đã phải cố gắng cỡ nào…, đạt IELTS 8.5 từ những ngày học cấp 3, đạt học bổng đi du học blah blah… Cô nói nếu cô không cố gắng như vậy thì không thể nào có được ngày hôm nay, blah blah… Nhưng có một điều mà những đứa bạn học khác trong lớp cũng nhận ra, vậy nếu không có bố mẹ gửi cô đi học ở trung tâm tiếng Anh từ nhỏ thì liệu cô có ngày hôm này làm giảng viên tiếng Anh siêu giỏi ở tuổi 25 không? Điều cô nhấn mạnh rất nhiều lần là nỗ lực của bản thân cô nhưng điều bọn em đang chờ đợi là lòng biết ơn đến bố mẹ cô. Vì bọn em có mặt ở đây cũng là nhờ bố mẹ ở quê đang dãi nắng dầm mưa như thế nào để có thể gửi từng đồng tiền mồ hôi nước mắt nuôi con học xa. Có thể do cách kể chuyện và nhấn mạnh vào bản thân mình, câu chuyện từ xúc động về một tấm gương học tốt đã trở thành một “định kiến” trong lòng mình và nhiều bạn khác. Bài học đầu tiên của những năm sinh viên cũng thú vị đó chứ.

Năm cuối đại học, bọn mình được lựa chọn làm khóa luận tốt nghiệp hay không. Mình nhớ mãi cái phòng rộng thênh thang với hai dãy bàn xếp đối diện nhau mà xa tít như hai bờ đại dương. Một bên là các giảng viên sẽ hướng, sẽ có thể hướng dẫn cho đề tài khóa luận mà bạn chọn, bên còn lại dĩ nhiên là các sinh viên chuẩn bị nêu đề tài. Đây là bước đầu tiên rất quan trọng, đặc biệt với những bạn thích làm nghiên cứu. Rồi cũng đến lượt mình. Do hồi đó hay nghe BBC để luyện tiếng Anh, như đã kể ở bài “Học tiếng làm sao phải ngại?” mình đã muốn làm một bài khóa luận về giọng Anh Anh. Sau khi mở mồm được 2 câu, lời đầu tiên mình nghe, và cũng là cuối cùng thầy giáo ở phía bên kia đại dương, à phía bên kia phòng nói là “Nhưng để làm cái gì? Chỉ cần nghe hiểu tốt là được, đầu cần phải nói được giọng Anh Anh hay Anh Mỹ.” Mình hơi bị sốc khi mình vừa mới nói đã bị từ chối ngay lập tức, trong khi thầy cũng không gợi ý gì thêm. Bản thân mình cũng hiểu rõ ý thấy vừa nói, nhưng mình cũng đã kỳ vọng với kinh nghiệm của người thầy, thầy sẽ mở đường gợi ý cho mình một số đề tài khác? Thầy chỉ nói như vậy, đúng, chỉ có như vậy. Mình bị sốc, nản chí, nói cảm ơn xong đứng dậy khỏi cái ghế còn chưa kịp ấm, bước ra khỏi căn phòng “khủng khiếp” và tự thề với lòng rằng sẽ không bao giờ đi theo con đường nghiên cứu khoa học!

Đợt này đang đọc “The Search” của OSHO có trích đoạn về người thầy. Mình xin phép kể tóm tắt: khi Osho được mời đến buổi tổng kết của một trường đại học, họ hỏi ông trước khi buổi lễ bắt đầu rằng “không hiểu sao sinh viên trường này dù chúng tôi đã tìm rất nhiều cách để giáo dục, mà không biết tôn trọng (pay respect to) giáo viên.” Osho, rất phũ, nói rằng ngay từ câu hỏi đã sai rồi. Vì người thầy là một trong những nghề cao quý nhất, không cần đòi hỏi, mà được tôn trọng, sinh ra là như vậy. Không ai nói “have to respect” với người thầy hết. Người thầy cũng không gào lên đòi học sinh phải tôn trọng mình vì vốn dĩ người làm học trò là tôn trọng người thầy, vốn dĩ sinh ra là như vậy. Còn nếu các ông thấy học trò không tôn trọng mình thì phải xem lại xem mình có phải người thầy chưa…

Tôn trọng và biết ơn là điều luôn ở đó.

Còn bài viết này, mình chỉ muốn nói rằng, đôi khi lời nói của người khác ảnh hưởng đến chúng ta rất nhiều, có ảnh hưởng không tốt, và cũng có thể có ảnh hưởng tích cực. Nhất là khi đó là người thầy, người mà chúng ta tôn trọng và noi theo. Hơn nữa, khi chúng ta ở trong vị thế của người học trò, đứng trước người thầy, mấy ai đủ “khả năng” để chọn lọc và lắng nghe khi chúng ta còn rất trẻ, mang sách vở đến xin học với một người ở trình độ làm thầy. Nghĩ đến một đứa trẻ 12 tuổi, bạn có nghĩ lời thầy cô sẽ có thể đi theo chúng đến hết cuộc đời không?

Cho đến ngày hôm nay, mình không còn tham gia vào môi trường thầy-trò chính thống nữa. Nhưng việc học là vô tận trong cuộc sống của chúng ta mà “người thầy” có thể ở khắp mọi nơi. Chỉ khác rằng chúng ta bây giờ là người có thể được quyết định. Mình được quyết định chọn ai làm “thầy”, chọn học điều này hay điều kia, thậm chí chọn có nghe theo hay không…  và biết đâu ai đó lại chọn học hỏi từ chúng ta?

Nói xa hơn một chút, từng lời nói của chúng ta nhiều khi có ảnh hưởng đến người khác nhiều hơn chúng ta biết. Lời nói làm tổn thương là lời không bao giờ rút lại được… Vậy thì… mình xắn tay lên tìm thầy dạy bớt “khẩu nghiệp” thôi nhỉ?

Chúc các bạn luôn vững vàng trước những lời nói. Dù gì lời nói cũng là lời chót lưỡi đầu môi. Hãy nhìn vào hành động, và học cách sống mạnh mẽ, để không bị tổn thương và cũng không làm tổn tương người khác nhen.

Advertisement

3 thoughts on “Bạn dám chắc không bị tổn thương?

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s