Riết thành quen, câu chuyện lại bắt đầu từ những ngày xưa cũ.
Thời điểm những năm 90 ở miền Trung, băng đĩa nhạc cũng là một phong trào phát triển rầm rộ không kém miền Nam. Mẹ mình mê nhất cải lương Tân Cổ Giao Duyên. Nói đến đây mình lại phải google tìm xem từ này viết hoa hay không viết hoa vì thực sự có nghe nhưng không có am hiểu. Bố mẹ hay thuê băng cải lương về xem nên ở nhà mở hoài. Nhân vật chính trong các câu chuyện thường gặp nhiều bất hạnh nhưng vẫn sống một cuộc đời lương thiện từ đầu đến cuối. Thỉnh thoảng mình lại thấy mẹ chửi sao mà hiền lành quá, “ngu” quá để người ta bắt nạt. Họ diễn một lúc, lại hát một lúc. Gương mặt trang đánh phấn trắng, lông mày kẻ, son môi đỏ, và mái tóc xoăn bồng bềnh dù nam hay nữ. Rồi tiếng nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ và giọng hát đặc trưng chỉ có người miền Nam hát được mới làm cho cải lương nghe thật đặc biệt, không lẫn vào đâu được.
Lớn thêm một chút khi đi học cấp 2, cái thời báo Hoa Học Trò 3 nghìn đồng một cuốn, mình thỉnh thoảng có xin đọc ké của mấy đứa bạn trong lớp hoặc nhỏ hàng xóm. Cái ấn tượng sâu đậm nhất về báo Hoa Học Trò có lẽ là chuyên mục của anh Chánh văn và tính “bất khả thi, bất thực dụng” của các chủ đề khác. Thường báo sẽ có cái gì đó về DIY, thậm chí về mix match quần áo, mua đĩa nhạc của ca sĩ, làm tóc giống thần tượng tuổi học trò, v.v…v. Với mình tất cả những cái đó đều không thực hiện được nên mình coi báo Hoa Học Trò như đọc cho biết, chứ không thể ham thích như báo Tuổi Trẻ Cười ở cùng thời điểm. Mất một chút thời gian lan man chuyện đọc báo, nghĩ về âm nhạc thấy cũng hơi trắc trở. Mình chưa bao giờ biết đến việc mua đĩa nhạc của ca sĩ dù thời đó biết có nhiều người hát hay. Nhiều bài hát hay đấy nhưng chủ đề lúc đó toàn về tình yêu. Nghe da diết đấy, nhưng không hiểu được. Buồn cười nhất là khi nghe mấy nhỏ hàng xóm chế nhạc. Không biết chúng nó lấy đâu ra lời chế vui thế chứ…
Sau này khi đi học cấp 3, bố mẹ có mua đầu thu VTC gì đó mấy chục kênh. Nhớ nhất cái kênh iTV nhiều bài hát của giới trẻ, lúc đó cứ mở đi mở lại một số bài vì người ta gửi tin nhắn bình chọn cho bài hát đó. Mình chẳng quan tâm. Đi học ở trường chỉ chăm chăm mượn đứa nào có sổ tay ghi lời bài hát tiếng Anh. Thời đó nó… “cool” lắm. Lớp bên cạnh có nhỏ kia có một cuốn sổ tay chép lời của những bài hát tiếng Anh phổ biến lúc đó. Ôi cha người ta nói, một cuốn sổ tay khiến bạn ở một “đẳng cấp” khác. Tiếng Anh khi đó là mốt. Học tiếng Anh đã khó, lại còn nghe nhạc tiếng Anh, lại còn hiểu lời bài hát… Khỏi phải nói đứa nào cũng lăm le mượn bằng được cuốn sổ. Khi đó đâu ai biết ra quán net mà google lyrics là gì đâu. Con người của những năm 90 thật thà.
Rồi thỉnh thoảng có được nghe Xone FM, top 40, Quick and Snow show mà mới có cơ hội chung bàn với dân chuyên Anh nhé. Hồi đó mấy đứa học giỏi toàn nghe radio và thành thạo bài nào hit, bài nào hot lắm. Mình cũng ráng theo đuổi chứ cảm giác lạc lõng khổ cực lắm. Trong lớp ngày xưa có nhỏ đó học giỏi nhất lớp, đúng kiểu mọt sách, gì cũng biết, chỉ làm bạn là không biết. Nhỏ hơi ít nói và học giỏi quá nên hay bị cô lập. Đúng là ở đâu cũng vậy, muốn đầu tư cho cá nhân mình, phải dành thời gian ở một mình, chấp nhận cảm giác lạc lõng và nhiều khi phải học cách vượt qua sự cô độc đó. Đi theo đám đông thì dễ, thì vui, nhưng cái gì cũng có giá của nó.
Âm nhạc là một phần của cuộc sống, từ lúc lọt lòng mẹ ru, cho đến tận khi đám ma chay cũng là điếu nhạc tiễn đưa người ta xa rời. Bởi mỗi người một có cách nhìn khác nhau, nhiều khi cùng một sự vật sự việc mỗi người đã hiểu theo cách khác. Chỉ có âm nhạc mới dễ mang người ta lại gần nhau hơn. Cùng một giai điệu vang lên là cùng một kỉ niệm trở về trong tâm trí, dù trải nghiệm kí ức của từng người lại không giống nhau.
Quay lại chuyện nhạc tiếng Anh, cho đến tận bây giờ, thi thoảng mình vẫn có cảm giác kỳ lạ khi nhiều người nghĩ rằng phải nghe nhạc tiếng Anh hoặc nhạc nước ngoài thì mới “ngầu.” Bạn thân mến, nhạc gì cũng là nhạc. Bạn thích gì thì cứ nghe. Bạn không nghe nhạc tiếng Anh không có nghĩa… gì hết. Bạn của bạn hay nghe nhạc nước ngoài… mấy người khác còn nghe cả nhạc thính phòng! Tất cả những điều đó đều không có nghĩa gì hết! Âm nhạc khi đã là sở thích, tức là cá nhân. Không ai đưa ra để so sánh phán xét gì hết. Nhiều người nói sở thích thể hiện tính cách cá nhân. Vậy thì đã sao, người ta biết tên biết mặt, biết luôn sở thích của bạn cũng không có nghĩa người ta hiểu về cuộc đời của bạn. Người ta có biết về cuộc đời bạn, người ta cũng không sống cuộc đời đó. Đời bạn là của bạn. Nghe nhạc gì thì cứ “quẩy” lên thôi.
Đôi khi mình gặp những người có ban nhạc yêu thích, ca sĩ yêu thích, v.v…v mình cũng hơi “ghen tỵ” vì trước giờ mình có thích nhưng chưa từng hâm mộ ai. Nhạc mình nghe nhiều thể loại, nhiều ngôn ngữ, nhiều ca sĩ khác nhau. Nhạc nhạc thị trường, nhạc chính thống, nhạc cũ, nhạc hư hỏng, v.v…v Đầu mình cứ chia như vậy chứ ít khi nó nói nhạc thính phòng, nhạc ballad, nhạc rock, hay nhạc pop. Nếu bạn cũng như vậy cũng không sao cả. Đừng lo lắng phải tìm một ca sĩ, ban nhạc, hay thậm chí một dòng nhạc nào đó để theo đuổi. Sau này khi chúng ta lớn lên nữa, chúng ta bận rộn, chúng ta suy nghĩ, tự khắc chúng ta sẽ tìm đến âm nhạc một cách tự nhiên nhất. Chúng ta khi đó sẽ tự biết thời gian ngủ còn không đủ, thì phải cân nhắc thời gian nghe nhạc như thế nào, và nghe nhạc gì. Hãy để mọi chuyện tự nhiên.
Nghe có vẻ mạnh mẽ đấy. Nhưng chẳng có triết lý hay chính nghĩa nào sau đó cả! Nguyên tắc duy nhất là: đời bạn là của bạn, hãy sống đời của mình thanh thản, và nếu sợ thì mượn oai nét chữ mà viết như cái đứa đang viết những dòng này nhé. Sống hèn nhát quá nên hay viết bừa vậy…
…
Cũng không biết nên viết gì thêm vì có quá nhiều thứ chúng ta có thể nói. Mình sẽ bắt đầu chia sẻ các bài hát, bản nhạc mình thích lên blog này. Các bạn có thích nghe nhạc không?
👍
LikeLike