Dân tộc Kinh, tôn giáo Không

Ngày còn nhỏ và lúc đi làm chứng minh thư, mình đã hỏi bố mẹ phần Dân tộc và Tôn giáo ghi như thế nào. Và kết quả là như tiêu đề của bài viết. Đến tận ngày hôm nay vẫn vậy.

Dân tộc là điều mình không lựa chọn. Đó là điều sinh ra đã sẵn có.

Khi đi học chữ, do học với các bạn cùng dân tộc Kinh, nên thỉnh thoảng khi gặp những bạn đến từ nhóm dân tộc thiểu số, mình thấy rất tò mò. Công việc đầu tiên đòi hỏi việc làm cùng những người bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao. Từ bé đến lớn, mình nghe rất nhiều người Kinh bảo nhau rằng “dân tộc”, ý chỉ những người dân tộc thiểu số, thật thà lắm, nhưng giờ người Kinh lên bản nhiều, “dạy” cho người dân tộc biết khôn ngoan, biết mưu mẹo… Sau này mình được gặp gỡ cả người dân tộc khác mà đến từ đất nước khác, nói ngôn ngữ khác,… mới thấy cuộc sống muôn màu làm sao.

Nhớ hôm đó đến thăm một gia đình trẻ ở Hòa Bình, bố và mẹ đều ở độ tuổi 20 nhưng đã có 3 con. Cả nhà sống cùng nhau trong căn nhà sàn bằng gỗ ghép. Có gỗ để ghép lại đã là một loại khá giả. Mình đã gặp những gia đình không có gỗ, cũng không dựng nổi nhà sàn mà sống trong những túp lều ghép bằng tre nứa, lá cây, và giấy báo cũ. Khi nhìn thấy khoảng hở giữa những tấm gỗ ghép giống như cái cũi, mình lạnh người tưởng tượng mỗi khi gió mùa lùa về. Rồi khi anh chủ nhà lấy cái khăn đen nhẻm kì công lau sạch mấy cái chén để rót trà mời khách, mình cũng uống thoải mái. Khi đó nhớ lại người Kinh thường nói người dân tộc thật thà lắm. Đúng như vậy đó các bạn.

Những năm tháng tuổi trẻ khi mới vừa ra trường đã được trải nghiệm những khác biệt đó khiến mình thấy may mắn vô cùng. Hóa ra trước giờ tivi nói về những hoàn cảnh khó khăn đó là hoàn toàn thật. Ở vùng núi bà con nghèo thật. Nhưng rồi ai cũng vẫn vui vẻ sống cuộc đời của họ. Mình có may mắn được sống ở đồng bằng, được đi học chữ, đọc sách, xem tivi, v.v..v mình được biết về những tiện nghi và có thể ước mơ đi xa. Các đồng bào ở vùng cao hàng ngày họ đều lo cho từng bữa ăn, nếu được thì gửi trẻ đến lớp, nếu không thì chia nhau làm nhiều việc để ăn no mặc ấm đã. Những nhu cầu tối thiểu còn là một cuộc đấu tranh thì nhà cao cửa rộng hay đại học chữ to là những điều họ không nghĩ tới. Vẫn sẽ có những gia đình khá hơn sống trong nhà sàn gỗ xịn hay xây nhà bằng. Nhưng khi nhìn vào những người kém may mắn hơn mới thấy.. thương quá!

Lan man một lúc về bà con dân tộc Tày ở Hòa Bình lại khiến mình nhớ về những ngày làm dự án ở vùng cao. Lái xe máy vượt đường đất tìm vào nhà dân, ăn thịt thỏ ở nhà người lạ, ngủ lại ở nhà cán bộ mới gặp lần đầu, bỏ dép đi chân đất lội suối, vượt rừng dưới trời mưa đến nhà dân, tiếp rượu ngô say mèm ở nhà cán bộ, v.v..v những điều mà kể lại thì rất dễ dàng và không có gì đặc biệt vói người nghe, nhưng chỉ khi bản thân trải nghiệm mới thấy giá trị của nó.

Cho đến hôm nay, khi ngẫm về những ngày làm cán bộ nghèo, đi tìm dân để thuyết phục họ để giúp đỡ họ, tìm anh cán bộ bóng bẩy ở World bank để xin giải trình về báo cáo dự án, tìm học bổng rồi bị đánh rớt, tìm đường ở quận Hoàn Kiếm, tìm nhà tài trợ cho dự án, tìm một lối thoát khỏi thành phố Hà Nội đông đúc… trong khi bạn bè các lứa văn phòng, đồng phục, hàng hiệu, du lịch, kết hôn…  Thanh xuân khi đó vừa nghèo, vừa khó khăn, nhưng mình vẫn thấy rất biết ơn tất cả những điều đó. Nếu phải lựa chọn lại, mình xin được gạt bỏ ngay từ ý nghĩ đó. Vì mình không có gì nuối tiếc với những lựa chọn đó. Không có những trải nghiệm đó sẽ không bao giờ có mình mặt dày của ngày hôm nay.

Chuyện về những ngày đi làm dự án ở vùng cao lẽ ra nên kể ở một bài viết riêng. Giờ đây mình vẫn giữ liên lạc với các đồng nghiệp đầu tiên, vẫn nhớ và thực sự biết ơn các anh chị đã dẫn dắt những tháng ngày đó.

Tôn giáo: Không là một điều đã quá quen thộc với bản thân mình. Sinh ra và lớn lên chỉ được tiếp xúc với đạo Phật và đạo Thiên Chúa nhưng bản thân mình không có ấn tượng gì nhiều. Tôn giáo phần lớn cũng do thừa hưởng từ gia đình. Do ông bà mình không theo đạo, nên mình hiểu bố mẹ mình không có thực hành tôn giáo từ nhỏ. Hiển nhiên, bố mẹ cũng sẽ không mang theo bọn mình đến bất cứ thực hành tôn giáo nào. Gia đình mình tôn giáo Không nên cho đến hiện tại mình vẫn cảm thấy rất thoải mái với cuộc sống không thực hành bất cứ tôn giáo nào. Nhưng hãy để mình chia sẻ một số điều mình được thấy. Vì tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng với rất nhiều người trên thế giới này.

Và nếu bạn cũng để ý, thực hành tôn giáo cũng đòi hỏi một số điều kiện nhất định. Ví dụ như ở quê mình, khi đi chùa phùng viếng, người ta phải mua một số đồ lễ để tỏ lòng thành. Ngay cả Thiên Chúa giáo, chủ nhật hàng tuần người theo đạo đều đi nhà thờ cầu nguyện. Bố mẹ mình lao động không có ngày nghỉ, vất vả như thế nào mới đủ khả năng nuôi gia đình, nên mình hiểu được đó là một phần lý do tại sao bố mẹ không theo đạo nào cả. Ở những đất nước phát triển hơn Việt Nam, thực hành tôn giáo như thế nào nhiều khi còn thể hiện cả tầng lớp xuất thân, năng lực tài chính, và trình độ học vấn. Bạn đã đọc những quyển sách nổi tiếng của Dan Brown sẽ thấy. Khi con người không còn chật vật lo lắng với nhu cầu tối thiểu của sự sống như các đồng bào dân tộc Tày ở Hòa Bình, thực hành tôn giáo hay nhu cầu về tinh thần có thể dẫn đến nhiều điều mà… vượt ra ngoài sự tưởng tượng của chúng ta.

Phong tục tập quán của người Việt Nam có nhiều đặc điểm đã khiến mình bị nhầm lẫn giữa phong tục và tôn giáo. Chùa chiền ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam rất nhiều. Đa số thờ các vị Thần thánh của đạo Phật, một phần thờ các vị Thần thánh được tương truyền trong dân gian. Lúc nhỏ cho đến tận những năm đi học chữ to, mình đã luôn phân vân rằng bố mẹ mình không đi chùa đầu năm mới thì khác gì với những gia đình khác. Rất khác đấy. Có thể vì bố mẹ mình không theo đạo Phật và cũng không có vẻ gì mê tín. Sau này lớn lên thỉnh thoảng mình có đi chùa đền với bạn bè và đồng nghiệp. Mọi người đều cầu mong này kia, thỉnh thoảng mình cũng bày tỏ mong muốn với Thần thánh, nhưng do không hiểu bản chất, nên sau rồi mình cũng bỏ dần cách a dua này. Kì thực, ở Việt Nam đi chùa cầu may đầu năm mới là một phong tục mà không chỉ người theo đạo Phật, người không theo đạo Phật cũng thực hành.

Sau này vào miền Nam chơi mình được biết ở đây không có nhiều người theo đạo Phật. Các gia đình cũng không thờ ông bà tổ tiên như ở ngoài Bắc. Họ thờ các vị Thần thánh trong tôn giáo của họ. Người dân cũng ít có chúc Tết năm mới họ hàng và gia đình. Thay vào đó, họ đi du lịch. Vậy hóa ra phong tục tập quán và tôn giáo ảnh hưởng lẫn nhau rất nhiều. Và vùng miền địa lý khác nhau cũng thể hiện những ảnh hưởng đó một cách khác nhau. Vậy chắc là có thể nói, do đạo Phật là phần đa số ở cộng đồng nơi mình sinh ra và lớn lên, cũng dễ hiểu khi mình nhầm lẫn giữa việc thực hành đạo Phật và thực hành phong tục tập quán.

Lớn lên và đi xa, khi được hỏi về tôn giáo, mình rất dứt khoát và có chút vui vẻ trả lời rằng mình Tôn giáo: Không. Bạn bè có chút ngạc nhiên nhưng mình cũng đoán được họ nghĩ gì. “Vậy lúc khó khăn bạn cầu nguyện với ai?”

Cách đây 5 năm, lần đầu tiên mình gặp một người bạn theo đạo Hồi. Mình được nghe bạn kể về thánh Allah và cách mà bạn tin tưởng vào ngài. Mình cũng được xem bạn cầu nguyện và được nghe bài hát về thánh Allah. Tất cả lúc đó đều mới lạ quá. Cách đây 3 năm, mình gặp một cậu bé người Ma rốc theo đạo Hồi vào đúng tháng Ramadan. Đó là lần đầu tiên mình biết những người theo đạo Hồi có một khoảng thời gian nhịn ăn vào ban ngày để “thanh lọc” cơ thể và tâm hồn. Cũng 3 năm trước, mình tham dự một buổi lễ thực hành Thiên Chúa giáo và được nhìn thấy các bạn xếp hàng lần lượt đến ăn một miếng bánh từ Cha xứ. Miếng bánh đó như là một phần “mình chúa” để ban phước lành cho các con chiên.

Với công việc hiện tại mình có một số đồng nghiệp đến từ miền Nam và theo đạo Thiên Chúa. Từ đây mình được biết chủ nhật nào họ cũng đi nhà thờ cầu nguyện. Mình cũng có một chị đồng nghiệp người Thái. Ở miền Nam nước này, đa số người dân theo đạo Hồi nhưng khi hỏi ra mới biết, chị này trước đây theo đạo Phật. Chị kể rằng khi chị đi học ở nước ngoài, chị bắt đầu phân vân về tôn giáo, và tìm hiểu về đạo Hồi từ bạn bè, sách vở. Sau đó chị lựa chọn thử một thời gian thực hành đạo Hồi. Mọi thứ xảy ra suôn sẻ nên cũng từ đó chị chuyển sang đạo Hồi. Và chị cảm thấy rất vui vẻ với nó.

Gần đây đọc The search của OSHO mới phần nào hiểu được tại sao có người theo tôn giáo, có người không. Và tôn giáo rất đa dạng nhưng thực ra có rất nhiều điểm chung. Vậy hóa ra không theo một tôn giáo nào cũng được, thay đổi tôn giáo cũng được, bắt đầu một tôn giáo giữa chừng cuộc đời bạn cũng được. (Cái này khác với việc cải đạo mà mọi người nhắc đến nhé). Mình hiểu được rằng Tôn giáo là một sự lựa chọn.

Tất cả những điều này khi xâu chuỗi vào với nhau mới thành một tràng kí ức trải nghiệm rất quý báu. Mình đã muốn viết hay hơn nhưng năng lực chỉ đến vậy. Chỉ mong phần nào tâm sự với các bạn một chút về những điều mà trước giờ ít khi chúng ta nghĩ đến.

Advertisement

One thought on “Dân tộc Kinh, tôn giáo Không

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s