Phần 1: Mười sáu người đàn ông, Đen và Trắng

Nhiều bạn hay hỏi cuối tuần mày ở nhà làm gì. Xem phim bạn ơi

The Good, the Bad and the Ugly (1966)

Nghe tên đã thấy thú vị. Phim kể về bộ ba bounty hunters ở Mỹ giai đoạn nội chiến. Bạn nào thích xem về các anh cao bồi cưỡi ngựa bắn súng phải chuẩn bị tinh thần rằng phim rất thật. Ra mắt từ những năm 60 thì đâu có kỹ xảo lóe mắt như phim bây giờ, nên mọi thứ rất chân thật và thực tế. Lúc mới xem mình rất tò mò vì tiêu đề phim lạ ghê. Tưởng rõ ràng khi đầu phim giới thiệu cho người xem biết ai là The Good, The Bad và The Ugly nhưng càng xem càng có nhiều tình tiết làm cho mình bị nhầm lẫn. Vậy hóa ra cái tốt, cái xấu chưa chắc đã như mình nghĩ. Và còn cái xấu xí… Xem ra mới thấy cái hay của phim khi nó thách thức cách hiểu về thiện và ác lâu nay của mình. Không nhiều lời thoại, cũng may phim có màu mà nhiều cảnh “ám ảnh” mình tới tận bây giờ. Phim này mình xem cách đây cũng mấy năm, nhưng đến giờ vẫn thi thoảng thắc mắc liệu The Good có nên gọi luôn là The Handsome không nhỉ. Vậy mới nói nhiều khi những quyết định của chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cái vẻ ngoài. Ai mà không thích cái đẹp chứ. May quá, đẹp cả trong lẫn ngoài haha…

12 Angry Men (1957)

Phim này mình biết đã lâu lắm nhưng không dám xem vì nghe nói phim tâm lý kinh khủng lắm. Cho đến tận hôm qua mình mới dám trải nghiệm. Khủng thật các bạn ạ. Phim rất đơn giản về bối cảnh: một phân cảnh xét xử tại tòa án, và một căn phòng “lý luận” của 12 Angry Men. Tất cả diễn biến quan trọng chỉ xoay quanh bối cảnh thứ hai (à còn cái nhà vệ sinh đính kèm nữa.) Mới đầu mới thấy ngột ngạt một cách kì lạ. Phim đen trắng, căn phòng bé xíu, mười hai người đàn ông ăn mặc lịch sự lần lượt bước vào, tranh cãi nảy lửa trong cái nóng của mùa hè, không điều hòa, quạt hỏng, v.v…v Mãi đến sau khi may sao có cơn mưa rào, trời tối thì phòng sáng đèn, cái quạt bé xíu mới túc tắc chạy. Một vài người bớt “nóng” nhưng một số vẫn không.

Thật sự mình đã cau mày, nhăn nhó, né mặt ra khỏi phía cái máy tính khi đến cảnh những người nóng nảy to tiếng. Từ bé đến lớn, ghét nhất là nghe nhưng lời nói to tiếng trong cơn giận dữ để lấn át người khác. Người cứng đầu nhất vẫn không ngừng to tiếng đến tận cuối phim. Nhưng may quá, những lúc nóng bức bí bách cũng được xoa dịu bằng những cảnh bình tĩnh phân tích lý trí khác. Cứ lên xuống như vậy, nóng rồi lại dịu, mờ mờ rồi lại rõ ràng, guilty rồi not guilty, có mỗi một căn phòng bé xíu (với cái nhà vệ sinh) nhưng không rời mắt được phút nào. Chỉ riêng việc quan sát sự thay đổi của mỗi nhân vật trong mỗi phân cảnh, cho đến sự thay đổi của từng người từ đầu đến cuối phim đã… mệt lắm. Mệt vì nó thể hiện được nhiều cái hay quá, làm cho đầu óc mình căng thẳng trong khi đã bị “tra tấn” bởi những nhân vật nóng tính nhất nước Mỹ rồi! Đúng là phim tâm lý mà, chắc phải lâu nữa mới dám xem lại:)

Cộng lại cũng đã 15 người, để mình giới thiệu người đàn ông thứ 16 trong bài viết này:)

The Godfather Part II (1974)

Không dám bàn nhiều về giá trị của bộ kinh điển The Godfather vì chắc các bạn đều đã biết hoặc ít nhất đã từng nghe. Lười đọc sách, nên mò trên mạng xem phim, ai ngờ cũng toàn bom tấn cả. Mình đã nghĩ tại sao những anh chàng vừa hay vừa dở đều tên “Michael” nhỉ. Từ ông ca sĩ, ảo thuật gia nổi tiếng, đến nhân vật trong Prison Break, rồi đến nhân vật trong sách của Mario Puzo. Về bộ phim này, mình thấy ấn tượng nhất với phần 2. Các bạn lười đọc sách như mình có thể tìm xem phim từ phần 1, phải xem từ phần 1 mới hiểu nhé. Bản thân mình khi xem sang phần 3 thấy cô con gái trông “đĩ đượi” kiểu gì, cậu cháu trai lông bông, với cảm giác phim làm thêm, làm phần sau không còn được thú vị như phần trước, nên bỏ luôn, chỉ còn nhớ nhung phần 2 này thôi. Xem hết phần 2 mình đã cảm thấy mãn nguyện lắm. Cách hành xử của mỗi nhân vật trong phim, bối cảnh, âm nhạc… Ôi nhạc phim nó mới ám ảnh sao chứ. Giờ khi rảnh nghe nhạc không lời, thỉnh thoảng Spotify mở đúng bài này… đang làm gì mình cũng phải bới tìm cho ra cái điện thoại xem nó nói gì. Nó nói đúng nhạc phim The Godfather thật.

Nó làm mình nhớ đến cô bạn người Ý của mình, Sarah. Nước Ý thật có nhiều điều thú vị quá, con người cũng muôn vẻ mà ai cũng cuốn hút…

Cả ba bộ phim đều nói về những người đàn ông trên đất Mỹ, bị vướng vào “bi kịch” Đen và Trắng của cuộc đời. Bấy giờ Thiện và Ác, Đen và Trắng người ta hiểu như thế nào, lời thoại nhiều hay ít, thời đại cũ hay mới… nó đều làm cho người xem phân vân. Nó lôi kiểu người xem yếu đuối như mình ngồi vào bàn, soi gương, nghĩ lại coi mình hiểu như thế nào. Mệt ghê:)

Mình bị cuốn hút bởi những bộ phim cũ như thế có lẽ vì cái cũ nó thường chân thật. Những bộ phim mới kỹ xảo hoành tráng, tâm lý sâu sắc, diễn viên hào nhoáng,… chắc cũng hay đấy. Nhưng khi quay phim còn đen trắng, kỹ xảo còn chưa phát triển, kịch bản còn duy nhất, mới thấy vừa hay vừa thích thú vì sự chân thật. Sau này nhiều phim kiếm được nhiều tiền, người ta cứ làm thêm phần mới, thêm nữa, thêm nữa, mà ít khi mình thấy hứng thú với nó. Mình cứ mò lại mấy phim cũ rích, xem hoài không chán.

Chỉ thấy “sợ” vì nó khủng thôi haha

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s