Nửa hồn thương đau

Nửa hồn thương đau (Thể hiện: Bằng Kiều; Sáng tác: Phạm Đình Chương)

Bài hát này mình nghe cũng đã lâu và có biết sơ qua về nhạc sĩ Phạm Đình Chương với câu chuyện của ông. Có nhiều ca sĩ đã hát như Tuấn Ngọc, Bằng Kiều, Lệ Quyên… nhưng mình thích nhất vẫn là do ca sĩ Bằng Kiều hát. Lời bài hát thì ngắn gọn, súc tích mà nghe vừa nhẹ nhàng, da diết, vừa day dứt khổ đau.

Hôm nay ngồi nghe phải lục lọi tìm lại trên mạng câu chuyện đằng sau bài hát này. Càng đọc càng thấm thía rằng khi người nhạc sĩ dùng lời ca tiếng hát để nói về nỗi đau trong cuộc đời của chính họ, âm nhạc được viết ra bằng những giọt nước mắt, bằng nỗi đau đời của chính họ, thì làm sao không đi vào lòng người cho được.

Cách đây ít hôm khi xem Ký Ức Vui Vẻ thấy sự xuất hiện của nhạc sĩ Phú Quang, mình cũng có cảm giác như vậy. Thật khâm phục và có chút ghen tị với những người nghệ sĩ tài hoa. Ghen tị làm sao khi họ có thể thể hiện được những cảm xúc chân thật của chính mình thành những nốt nhạc, câu thơ mà khi người khác lắng nghe cũng có thể hòa mình vào cảm xúc đó.

Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa

Cho tôi về đường cũ nên thơ

Cho tôi gặp người xưa ước mơ

Hay chỉ là giấc mơ thôi

Nghe tình đang chết trong tôi

Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết bài hát này vào một đêm khi ông đã cùng quẫn đến mức định tự vẫn. Nhưng nhìn đứa con nhỏ dại, nghĩ về một người phụ nữ đã cùng mình thề hẹn, đầu gối tay ấp là thế, nghĩ về mình còn thương yêu một người đã bỏ mình ra đi, nghĩ về những dư luận xung quanh cuộc đời lúc đó đã “phải” nổi tiếng,… Cảm giác bị phản bội cùng những áp lực kia hẳn lớn lắm, đau lắm người ta mới muốn kết liễu cuộc đời mình.

Những người nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ khi họ sáng tác là họ không sáng tác. Họ chỉ đang thể hiện cảm xúc của chính mình bằng một thứ ngôn ngữ đẹp hơn cả tiếng nói. Họ chỉ đang sống hết mình với cảm xúc của chính mình, nói lên nỗi lòng của chính mình bằng âm nhạc, vần thơ, nét vẽ… không cần quá cố gắng hay gắng gượng để làm nên nghệ thuật. Mà nghệ thuật cứ thế tự nhiên xuất hiện. Cái gì được sinh ra một cách tự nhiên mới đi vào lòng người một cách tự nhiên. Như vậy đã là một đóng góp cho đời, một dấu ấn để lại để dù cho sau này khi người ta không còn nữa, những tác phẩm của họ vẫn sống mãi theo thời gian.

Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau

Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau

Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào

Anh ở đâu? Em ở đâu?

Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu

Đau thì đau mà thương thì thương. Tình cảm hẳn khó nói lắm. Lời bài hát nghe day dứt như vừa oán hờn, vừa thương nhớ,… đúng là đau khổ. Ám ảnh không thể chấm dứt, bất lực nhưng không thể thể tự mình kết thúc cuộc đời này, người nhạc sĩ đã tìm viết nên nỗi lòng của mình thành những câu hát này. Hỏi sao nghe lại không thống khổ như vậy.

Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt

Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất

Và tiếng hát và nước mắt

Đôi khi em muốn tin

Đôi khi em muốn tin

Ôi những người ôi những người

Khóc lẻ loi một mình

Tại sao mình lại cảm thấy ghen tị với những người nhạc sĩ, họa sĩ như thế. Bởi vì người ta có một thế giới riêng, mà không những người ta vừa được sống hết mình, tác phẩm của họ còn có thể sẻ chia với những người nghe mà đã trải qua cảm xúc tương tự. Và tuyệt vời hơn, những tác phẩm đó sẽ để lại dấu ấn riêng biệt và duy nhất của chính họ trên cuộc đời này. Nhiều người nói rằng kiếp cầm ca là khổ vì nhiều ca sĩ có cuộc đời bi thương lắm. Mình nghĩ cuộc đời ai cũng có thể gặp phải những gian truân. Chỉ có những người ca sĩ, nhạc sĩ khi đưa cuộc đời mình vào nghệ thuật mới làm cho những tác phẩm của họ trở nên tuyệt vời như vậy. Hát mà không hát, sáng tác mà không sáng tác. Là họ đang “mượn lời” nói lên chính nỗi lòng của mình đó mà thôi. Có lẽ vì vậy cũng dễ hiểu tại sao người ta lại đồn rằng nghiệp nó vận vào thân của những kiếp “xướng ca vô loài.”

Mình nhớ không biết đã đọc ở đâu về một tù binh khi phải trải qua những cuộc tra tấn dã man, cậu vẫn không hé răng nói một lời nào. Những người tra khảo cuối cùng bất lực đã hỏi làm sao cậu có thể chịu đựng được. Cậu nói rằng, các người có thể tra tấn thể xác tôi, ép tôi làm việc này việc khác, nhưng các người không bao giờ có thể điều khiển được tâm trí của tôi. Cậu ta mỉm cười. Còn tự do nào đẹp hơn khi được sống là chính mình, trong thế giới tâm trí riêng của chính mình mà không ai có thể can thiệp.

Vậy mới phần nào hiểu được người nhạc sĩ bị phản bội đã tìm đến âm nhạc, là nơi người ta được tự do… Khi sống trong những nốt nhạc, câu thơ, nét vẽ là sống trong thế giới riêng của chính mình, tự do thể hiện chính mình. Còn tự do nào bằng được sống là chính mình. Còn niềm vui nào bằng được làm chủ cuộc đời mình. Tự do…

Những bài hát hay, càng nghe càng thấm thía, rủi sao nghe bài buồn thì tự khắc nước mắt chảy. Mình còn trẻ và chưa từng sống trong hôn nhân. Nhưng chứng kiến những cuộc hôn nhân xung quanh và đọc về câu chuyện của nhạc sĩ Phạm Đình Chương mới thấy, cuộc đời mới nhiều đau khổ làm sao. Con người mới nhiều khó hiểu làm sao. Không ai nói trước được điều gì sẽ xảy ra. Chỉ có tâm trí này là của chúng ta, nhiều là một nửa hồn thương đau, ít cũng vài lần trăn trở; nhưng dù sao vẫn là ở trong tâm trí này, vẫn nằm trong tầm lựa chọn của chúng ta cách vượt qua như thế nào.

Đâu đó mọi người đùa rằng: đời là bể khổ, vậy hết khổ là qua đời…

Phần còn lại mời các bạn nghe nhạc và tự cảm nhận hen.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s