Có phải ít nói là hướng nội?

Cũng nhiều năm về trước, mình đã luôn khẳng định rằng bản thân là một người hướng ngoại. Mình làm chân chạy việc cho nhiều tập thể, mình nói nhiều như vẹt, mình tham gia hoạt động này, hoạt động kia, v.v…v. Cho đến những năm trở lại đây, mình đã tìm hiểu thêm về những người hướng nội.

Thời gian gần đây, rất nhiều người tâm sự với mình rằng họ là người hướng nội. Một số vẫn vui vẻ và có chút tự hào, vì hình như họ nghĩ rằng hướng nội làm cho họ tách biệt và khác biệt với những người khác. Một số lại tự ti và thu mình vào trong thế giới riêng của họ. Một số lại khăng khăng rằng mình là người ít nói, mình là người hướng nội.

Mình đã đọc kha khá các tài liệu với nhiều ý kiến khác nhau. Bài dưới đây của một blogger tâm lý học, mình dịch lại sang tiếng Việt. Bản gốc tiếng Anh không có quá nhiều điều mới mẻ và quá hay, nhưng nó cũng nói được những điều cơ bản. Nên mình hi vọng bản dịch của mình cũng có thể chia sẻ thêm một số điều về tính hướng nội.

5 kiểu người hướng nội và cách họ khẳng định cuộc sống

Có nhiều kiểu hướng nội khác nhau, và dưới đây là một số kiểu trong đó.

Hóa ra còn quá nhiều thứ về tính hướng nội hơn tôi tưởng, trong khi tôi thậm chí đã công bố các nghiên cứu về tính hướng nội từ nhiều năm trước. Theo các nhà tư tưởng, những người giúp hiểu biết của chúng ta ngày càng sâu sắc hơn, thì những quan sát giúp xác định một người là người hướng nội (introvert) còn bao gồm rất nhiều ngoài thái độ và sở thích của họ về quan hệ xã hội và sự cô độc.

Vài ngày trước, tôi làm một bài kiểm tra hướng nội-hướng ngoại gồm 10 mục trên trang web của Susan Cain, Cuộc Cách mạng Thầm lặng (The Quiet Revolution). Tôi nhận được kết quả ngay lập tức: Tôi chính xác là một người hướng nội. Nhưng nhận xét không chỉ nói rằng “Ừm, bạn thích thời gian ở một mình, bạn đúng là hướng nội.”

Nhìn vào tất cả các khía cạnh của trải nghiệm tính hướng nội trong mô tả dưới đây. (Tôi đoán tất cả những người có kết quả là người hướng nội đều nhận được nhận xét giống nhau. Tôi không nghĩ rằng những nhận xét đó được thay đổi theo từng cá nhân.)

Người hướng nội

“Khi được lựa chọn, bạn sẽ dành hết năng lượng xã hội của mình cho một nhóm nhỏ những người bạn quan tâm nhất, thích nhấm nháp chút rượu với một người bạn thân hơn là một bữa tiệc đầy người lạ. Bạn suy nghĩ trước khi nói, bạn có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với rủi ro và bạn tận hưởng sự cô độc. Bạn cảm thấy được cung cấp thêm năng lượng khi tập trung sâu vào một chủ đề hoặc một hoạt động nào đó bạn thực sự quan tâm. Khi ở trong những môi trường quá kích thích (quá ồn ào, quá đông đúc, v.v.), bạn có xu hướng cảm thấy quá tải. Bạn tìm kiếm những nơi bình yên, những thánh địa và cái đẹp; bạn có một cuộc sống nội tâm tích cực và bạn cảm thấy tuyệt vời nhất khi được sống trong kho tàng đó.”

Thật là một bức tranh đẹp. Cuộc Cách mạng Thầm lặng đang nói với chúng ta rằng Hướng nội thật là một điều tuyệt vời.

Tôi muốn giải thích rõ hơn về các quan sát trong mô tả trên, nhưng trước tiên, tôi sẽ chia sẻ các kết quả nhận xét còn lại để chúng ta so sánh. Cũng từ đó tôi mới biết được nếu tôi nhận kết quả là người hướng ngoại (extrovert) hoặc người vừa hướng nội và hướng ngoại (ambivert) thì nghĩa như thế nào.

Người hướng ngoại

“Những người hướng ngoại tận hưởng cuộc sống xã hội và được tiếp thêm năng lượng từ việc tương tác với bạn bè và những người lạ. Họ thường quyết đoán, nói là làm ngay, và có thể tận hưởng cuộc sống hiện tại. Người hướng ngoại rất giỏi suy nghĩ thực tế; họ tương đối thoải mái với các xung đột. Khi được lựa chọn, người hướng ngoại thường thích môi trường kích thích hơn, cho họ nhiều cơ hội để gặp gỡ và trò chuyện với người khác. Khi họ ở trong môi trường yên bình, họ dễ cảm thấy buồn chán và bồn chồn. Họ tích cực tham gia vào thế giới xung quanh và cảm thấy tuyệt vời nhất khi được sống với nguồn năng lượng đó.”

Ambiverts (người vừa hướng nội vừa hướng ngoại)

“Ambiverts rơi vào giữa phạm vi của hướng nội và hướng ngoại. Theo nhiều cách, ambiverts có những điều tốt nhất của cả hai, có thể khai thác những điểm mạnh của cả người hướng nội và người hướng ngoại khi cần thiết.”

Tôi đơn độc, và luôn luôn như vậy. Tôi không chỉ đơn độc như vốn có; tôi là riêng một mình từ sâu trong trái tim. Tôi sống một cuộc đời hết mình, trọn vẹn nhất, và chân thực nhất của một người duy nhất. (Bản gốc: I’m single and always have been. I’m not just single by default; I’m single at heart. I live my best, most fulfilling, most authentic life as a single person.)

Đơn độc không phải là mặc định hay kế hoạch B của tôi. Đó là kế hoạch A. Sau nhiều năm nghiên cứu những người xác định rất mạnh mẽ và rõ ràng họ là một người đơn độc từ trong trái tim (single at heart), có một đặc điểm gần như tất cả họ đều có: Họ yêu thời gian ở một mình.

Nhưng khi tôi hỏi những người đó liệu họ là người hướng nội hay hướng ngoại hay điều gì khác, câu trả lời của lại rất khác nhau. Hầu hết đều nói rằng họ là người hướng nội, nhưng cũng có rất nhiều nói họ là ambiverts. Một số người nói những điều như, “về cơ bản tôi là một người hướng nội, nhưng tôi cũng có thể trở nên hướng ngoại miễn là tôi có cơ hội nạp lại năng lượng cho mình.” Hoặc “tôi là người hướng nội, nhưng nhiều người lại không nhận ra điều đó.”

Đó là những gì thúc đẩy tôi làm bài kiểm tra hướng nội và tìm hiểu thêm những hiểu biết mới nhất về tính hướng nội. Chà, theo sau đó là câu hỏi của Sophia Dembling, liệu tôi có nghĩ mình là một người hướng nội không. Sophia Demble là một đồng nghiệp blogger Psychology Today ở chuyên mục “Góc Hướng nội” (The Introvert’s Corner) và là tác giả của nhiều cuốn sách về hướng nội.

Tôi phát hiện ra rằng các học giả như Jonathan Cheek và Jennifer Grimes đã xác định được các loại người hướng nội khác nhau. Đầu tiên cũng là kiểu hướng nội quen thuộc nhất – người hướng nội xã hội.

1. Người Hướng nội Xã hội (Social Introverts)

Ví dụ mẫu:

“Tôi lúc nào cũng cố gắng sắp xếp mỗi ngày làm sao để tôi luôn có thời gian riêng cho mình.”

“Tôi cảm thấy kiệt sức sau những mối quan hệ xã hội, ngay cả khi tôi thấy thích chúng.”

Theo mô tả của Melissa Dahl trong The Cut, hướng nội xã hội là “một kiểu ưu tiên quan hệ xã hội với các nhóm nhỏ thay vì nhóm lớn. Hoặc đôi khi, là không có nhóm nào cả – sự cô độc.”

Ví dụ thứ hai (ở trên) đặc biệt nói lên điều gì đó. Những người hướng nội xã hội vẫn có thể cảm thấy vui vẻ trong các mỗi quan hệ xã hội. Hướng nội xã hội không cứ phải là bạn không bao giờ gặp gỡ ai, hoặc bạn không bao giờ thích gặp gỡ mọi người; chỉ là, những kiểu trải nghiệm đó có thể khiến bạn kiệt sức.

Một kiểu hướng nội xã hội khác được Cheek và Grimes gọi là “Hướng nội Suy nghĩ” (Thinking Introverts). Tôi lại thích gọi là “Hướng nội Trầm tư” (Introspective Introverts) hơn. Khía cạnh này không phải là về những gì đang diễn ra trong cuộc sống xã hội của bạn; đó là về những gì đang diễn ra trong đầu bạn.

2. Người Hướng nội Trầm tư (Introspective Introverts)

Ví dụ mẫu:

“Tôi có một đời sống nội tâm phong phú, phức tạp.”

“Tôi thường chú ý đến những cảm xúc bên trong mình.”

“Hướng nội suy nghĩ” là “trầm tư, thấu đáo, và tự phản chiếu.”

Trong một cuộc phỏng vấn, Giáo sư Cheek nói với Dahl rằng những người hướng nội này là những người “có khả năng lạc vào một thế giới giả tưởng bên trong, nhưng không phải theo cách thần kinh, mà theo cách tưởng tượng và sáng tạo.”

Kiểu người hướng nội thứ ba mà Jonathan Cheek đã thảo luận được định nghĩa theo phong cách làm nhiều hơn là suy nghĩ. Họ là những người “Hướng nội Tiết chế” (Restrained Introverts), những người làm mọi thứ với tốc độ chậm hơn. Các học giả nghiên cứu tính khí mô tả một số người nhất định là những kẻ “khởi động chậm” (slow to warm up). Theo tôi thấy Hướng nội Tiết chế cung tương tự như vậy.

3. Người Hướng nội Tiết chế (Restrained Introverts)

Ví dụ mẫu:

“Để thư giãn, tôi thích làm mọi thứ chậm lại và dễ dàng thôi.”

“Tôi thích ra khỏi giường và chạy thể dục ngay khi vừa thức dậy vào buổi sáng.” (Người hướng nội tiết chế không đồng ý với điều này.)

Những người hướng nội tiết chế hay hướng nội dè dặt thích “suy nghĩ trước khi nói hoặc hành động” và “có thể mất một chút thời gian để vào guồng.” Trước giờ tôi chưa bao giờ nghĩ về tính hướng nội theo cách này, nên tôi rất mong chờ xem các nghiên cứu sắp tới trong tương lai sẽ cho chúng ta biết thêm gì về hướng nội tiết chế, và mức độ tương quan của nó với các kiểu hướng nội khác.

Giáo sư Cheek chỉ ra một loại người hướng nội khác, “Hướng nội Lo lắng” (Anxious Introverts). (Ví dụ mẫu: “Tôi cảm thấy tự ti một cách đau khổ khi ở cạnh những người lạ,” và “Ngay cả khi tôi ở cùng một nhóm bạn, tôi thường cảm thấy rất cô độc và không thoải mái.”). Tôi không đưa kiểu hướng nội này vào cùng các kiểu còn lại, vì bản thân tôi không nghĩ đây là hướng nội. Tôi nghĩ nó là một kiểu tâm lý lo ngại xã hội (social anxiety).

Bạn có muốn xem tất cả các mục để xác định từng loại hướng nội khác nhau bởi Cheek và Grimes? Scott Barry Kaufman đã cung cấp chúng trong bài báo Khoa học Mỹ của ông, “Bạn là người hướng nội kiểu nào?” Kaufman đã giúp phát triển bài kiểm tra hướng nội mà tôi đã làm ở trang web của Susan Cain.

Nghiên cứu của ông chỉ ra hai khía cạnh khác của tính hướng nội, cân nhắc (delibration) và kích thích (stimulation). Chúng cũng được mô tả trong kết quả tôi nhận được trong bài kiểm tra của mình: “Sự cân nhắc (delibration) đo lường xem bạn ưu tiên việc cân nhắc so với việc hành động như thế nào,” và “kích thích (stimulation) đo lường mức độ ưu tiên của bạn với các môi trường yên bình so với những nơi thú vị ra sao.”

4. Người Hướng nội Thích Suy nghĩ Mọi thứ

Ví dụ mẫu:

“Tôi rất kiên nhẫn trong việc tìm hiểu tất cả sự kiện trước khi đưa ra quyết định.”

“Tôi không mạo hiểm trừ khi tôi đã thực hiện một số nghiên cứu hoặc đánh giá kỹ lưỡng từ trước.”

5. Người Hướng nội Không muốn Quá nhiều Kích thích

Ví dụ mẫu:

“Tiếp xúc quá nhiều với tiếng ồn hoặc ánh sáng khiến tôi cảm thấy kiệt sức hoặc bị lạc trôi.”

“Tôi làm việc tốt nhất trong một môi trường yên tĩnh.”

Bạn có phải hướng nội trọn gói không hay chỉ là một phần trong đó?

Jonathan Cheek mô tả những người hướng nội xã hội, suy nghĩ và tiết chế là ba loại khác nhau. Nhưng chúng có phải là ba loại riêng biệt? hay chúng chính là các khía cạnh khác nhau của tính hướng nội?

Kết quả tôi nhận được trong bài kiểm tra dường như cho thấy điều ủng hộ cho câu phía sau: Người hướng nội là những người thích sự cô độc, có một cuộc sống nội tâm tích cực, có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với rủi ro, và cảm thấy kiệt quệ bởi những môi trường quá kích thích. Ở những người khác nhau, các khía cạnh khác nhau có thể quan trọng ít hoặc nhiều hơn, nhưng nói chung, tất cả các khía cạnh đó đều đi cùng nhau.

Điều gây ấn tượng với tôi về tất cả năm kiểu hay năm khía cạnh khác nhau này của tính hướng nội là chúng thực sự đều rất phong phú. Nói như vậy không có nghĩa là hướng ngoại chẳng có ích gì cho cuộc sống. Tất nhiên, nó có thể. Nhưng người hướng ngoại trước nay đã luôn được giả định rằng cách sống của họ là lối sống tâm lý lành mạnh. Phải mất rất nhiều thế hệ các nhà tư tưởng gần đây, như Susan Cain và Sophia Demble, để chứng minh một cách thuyết phục rằng làm một người hướng nội cũng tốt vậy.

Bài dịch chỉ mang tính chia sẻ, không có mục đích thương mại hay bất cứ mục đích nào khác.

Nguồn: Psychology Today

https://www.psychologytoday.com/us/blog/living-single/202002/5-kinds-introverts-and-their-life-affirming-ways

Người dịch: Dân Ann

Advertisement

7 thoughts on “Có phải ít nói là hướng nội?

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s