Làm việc với người giỏi hơn mình (Phần 2)

1) Cái tôi

Cái tôi là một trong những chủ đề rất khó bàn luận khi nói về người Việt Nam. Khó không phải vì chúng ta không biết cái tôi là gì, mà khó để người đọc hiểu sức mạnh thao túng của cái tôi ghê gớm đến thế nào.

Nhiều năm về trước, cá nhân mình cũng là một người có cái tôi rất lớn. Mình không thích thừa nhận sai, không dám hỏi vì sợ mọi người chê mình dốt, không dám công nhận người khác khi họ làm tốt hơn mình, không bộc lộ cảm xúc của mình với người khác. Mình cũng luôn tự cho bản thân là người đặc biệt, biết thưởng thức những điều tốt đẹp, có nội tâm sâu sắc, vân vân.

Một điểm chung điển hình của những người như vậy là họ rất ít khi thể hiện ra bên ngoài rằng họ cảm kích, khâm phục, hay ngưỡng mộ một điều gì đó ở người khác. Cùng với cảm giác lo bị phán xét bởi “miệng lưỡi người đời”, cái tôi làm dấy lên cảm giác sợ hãi, sợ người khác giỏi hơn mình, sợ người đời nhìn vào chê cười “có vậy và cũng ngưỡng mộ, hóa ra tiêu chuẩn của bạn tầm thường quá, có vậy mà cũng khoe, đầy người còn giỏi hơn” v.v..v Người Việt Nam từ nhỏ đến lớn sống trong cộng đồng quen bị phán xét, so sánh, nên rất ngại thể hiện quan điểm cá nhân, luôn sợ người khác “nhìn thấy người ta cười cho”, sợ người ta biết chê mình không biết, sợ kém miếng kém cạnh.

Cái tôi đôi lúc cũng có thể thể hiện ra bên ngoài. Nhưng, người ta lại đưa ra những nhận xét tiêu cực, không mang tính xây dựng. Mình đã chứng kiến rất nhiều bạn trẻ, và cả những người có tuổi, có kinh nghiệm trên đường đời, bĩu môi, nhún vai, hoặc phớt lờ, hay thậm chí còn chê bai thành tựu của người khác. Những lời chê bai, chỉ trích không mang tính xây dựng đã giết chết những ý tưởng sáng tạo. Ví dụ như cái chết của Flappy bird. Cái tôi trong những cá nhân đó đã chiếm lấy họ, xúi giục sự nổi dậy của lòng tự ái và tính ganh ghét. Nó không chỉ làm tổn thương ý tưởng của người khác, nó xua đi cơ hội cảm kích người khác và học hỏi cho chính bản thân mình.

Ở một số trường hợp tệ hơn nữa, cái tôi có lẽ đã khắc vào đầu họ ý nghĩ rằng “người thông minh nhất trong căn phòng là người lên tiếng cuối cùng” hay “người im lặng mới là kẻ chiến thắng”… Nó thậm chí có thể khiến họ nghĩ rằng “như vậy đã là gì, mình chả cần phải xúm vào với những người kém cỏi hơn”. Khi tính tự ái lên ngôi, tất cả biến mất ngay trước mắt mà ta không hề hay biết. Tất cả. Bao gồm cả những cơ hội.

Cái tôi khi đó đã chiến thắng lý trí mất rồi.

Phải nói thêm rằng, chúng ta sẽ không bàn đến cá tính ở đây. Nhiều bạn trẻ cho rằng cái tôi mới tạo nên cá tính. Và cá tính thì chẳng có gì sai cả. Đúng như vậy, nhưng không liên quan đến cái tôi thao túng đang được thảo luận ở bài viết này. Chúng ta vẫn hoàn toàn có thể có cá tính mà không cần phải ngạo nghễ với cái tôi xúi giục, đâm bang đó.

2) Vượt qua

Nhìn lại những tháng năm “chung sống” với cái tôi đó, nhiều lúc thấy mình cũng tánh kỳ. Nghĩ sao trong bao nhiêu con đường vui vẻ, hạnh phúc lại chọn đúng con đường với toàn những tổn thương, tự ái, tự ti, u sầu mà bản thân tự suy diễn ra.

Những năm gần đây khi đọc đến Osho (ngại ghê, cứ để các bạn phải nghe mình lải nhải về Osho, cái gì mình thấy đúng mình cứ chia sẻ hoài), ổng nói chừng nào còn cái tôi, chừng đó ta không thể bình yên (hạnh phúc). Cái tôi đẻ ra nhiều thứ tiêu cực như những ham muốn vô bờ bến, khả năng dễ bị tổn thương, tính ích kỉ, tự ái, đố kỵ, và cả tính tự ti.

Còn ham muốn cuộc sống sang chảnh như báo chí vẫn hay lý tưởng hóa về lối sống của các ngôi sao nổi tiếng ở Việt Nam, ta còn muốn phấn đấu để kiếm thật nhiều tiền. Còn trông đợi thật nhiều likes và lời ngưỡng mộ từ bạn bè trên mạng xã hội, ta còn cắn răng chịu đựng trong công việc để kiếm tiền. Còn nghĩ phải ăn mặc đẹp, đi du lịch đây đó mới sướng, ta còn vung tiền vào hàng hiệu sành điệu, phải chụp ảnh, quay hình lưu lại rồi chia sẻ lên mạng xã hội… Từ khi nào cuộc sống “tươi đẹp”  phải được người khác chứng kiến, ngưỡng mộ thì ta mới vui vẻ? Còn tham chiếu với những hình mẫu lý tưởng do báo chí truyền thông thêu dệt lên, sẽ còn so sánh khập khiễng với bản thân, sẽ còn khiến cái tôi bị tự ái, … còn chạy theo chỉ đạo của cái tôi suốt đời… còn khổ lắm, khổ mãi!

Sau này khi bắt đầu đọc nhiều sách hơn, tiếp xúc với nhiều người, vấp váp nhiều lần, mình cũng bắt đầu học cách kiềm chế cái tôi. Nói bỏ hẳn đi như Osho thì khó thiệt, nhưng phải học cách kiềm chế nó, không để nó làm mình mờ mắt mà bỏ qua mất các cơ hội. Quý nhất với mình là cơ hội sống bình yên. Vậy cớ chi tự ái vớ vẩn rồi sống mòn! Mình học cách khen ngợi người khác, thể hiện lòng biết ơn, thể hiện lòng ngưỡng mộ, không ngại hỏi khi không biết… Một điều quan trọng không kém là những điều đó phải xuất phát từ tấm lòng chân thành. Phải chân thành! Chừng nào còn nghĩ  “như vậy đã là gì, sao mình phải khen ngợi họ, họ muốn thì họ chia sẻ, sao mình phải cảm kích” v.v…v có nói ra được cũng vô ích. Bởi cuối cùng, khi ta hiểu ra, có khi đã quá muộn. Núi cao còn có núi cao hơn, nhưng chẳng có đỉnh cao nào mà không thể bị chinh phục.

3) Thừa nhận

Nói thêm về lòng cảm kích, mình rất thích kiểu người hiểu được khi nào nên nói lời cảm ơn và xin lỗi. Mình rất quý nhiều bạn trẻ lễ phép, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi đúng lúc. Đã nghe ở đâu đó nói rằng, một lời cảm ơn hay xin lỗi không bao giờ là thừa. Dù một việc rất nhỏ, dù người giúp đỡ ta có thân thiết cỡ nào, dù họ khăng khăng giúp đỡ ta ra sao, dù chỉ là một lời cảm ơn không hơn không kém, dù người đó vội nói ta khách sáo làm chi… đó vẫn là điều ta phải làm. “Khách sáo làm chi” không có nghĩa là “đừng nói cảm ơn”. “Khách sáo làm chi” có nghĩa là người ta rất vui vì giúp được bạn. Việc đó có thể nhỏ, nhưng không có điều gì trên đời là miễn phí (there’s no such thing as a free lunch). Và càng không nên cho rằng ai đó giúp đỡ mình là điều hiển nhiên (take something for granted). Mỗi người một cuộc đời riêng, dù việc nhỏ nhất, họ cũng đã chìa tay ra giúp đỡ ta, hãy học cách biết ơn. Dù đó là điều nhỏ nhặt nhất!

Lại có những người ngại “nhờ vả” vì sợ mắc ơn. Trường hợp này không liên quan đến việc biết ơn khi được giúp đỡ. Mình sẽ không bàn đến ở đây.

Kỳ thực, con người bạn cũng trong sáng, yên bình, và tốt bụng như bao người khác đó. Chỉ một chút thôi, cái tôi nó hô mưa gọi gió trong tích tắc, ngăn bạn không hiểu được đâu là điều hay điều tốt. Không hiểu, khó thừa nhận. Không thừa nhận, khó mở lòng. Không mở lòng, tâm trí cũng khép lại. Kiềm chế được cái tôi là vượt qua chính bản thân mình. Bạn hiểu bản thân mình đến đâu? Bạn nghĩ rằng mình là người hướng nội, ít nói, hay năng động, dễ tính, dễ thích nghi, v.v..v Bạn cũng có thể là hàng chục tính cách gộp lại. Bạn tin mình có cá tính riêng vì “ta là một, là riêng, là duy nhất”? Bạn có chắc biết mình phải làm gì? Bạn có biết cái tôi đang “thao túng” cuộc đời mình?

Nhiều người nói khi cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra, cửa đóng thì gõ cửa, vân vân. Còn mình nói, hãy quan sát kỹ, biết đâu đứng ở giữa bạn và cánh cửa chính là cái tôi của bạn đấy!

Ngày xưa đi học, có một thầy giáo chửi học sinh như con đẻ, dù mình không phải con ổng. Nhưng mình rất biết ơn một câu nói của thầy “Tôi đâu có giỏi hơn các bạn. Là người đi trước, tôi học trước, biết những kiến thức này trước các bạn, nên giờ mới đứng đây chỉ cho các bạn. Tôi chắc gì đã giỏi hơn các bạn.” Phải mất nhiều năm sau, mình mới hiểu được rằng, không nên tự ti, cũng đừng quá tự tin, phải học mới biết. Phải học.

Ngày đi làm gặp gỡ nhiều người giỏi, mình cũng nhìn lại bản thân và phải thừa nhận rằng, đó, chính nó, là cái tốt đẹp mình nên học từ người ta. Chê bai vì ganh tỵ chỉ làm mình tụt lại phía sau mà thôi. Khi làm việc với những người trẻ hơn, hoặc ít kinh nghiệm hơn, mình cũng cố gắng chia sẻ rằng mình thực ra cũng không giỏi hơn họ. Mình chỉ là kẻ biết trước.

Câu nói đó còn cho mình thêm động lực để chia sẻ.

Mình của ngày trước, tự ti không lối thoát vì cái tôi to lớn bị tự ái, đã không những làm mình bị chậm lại khi học hỏi bất cứ điều gì mới, còn ngăn cản mình chia sẻ nó với người khác vì sợ bị chê cười. Mình đã không bao giờ nghĩ đến một ngày mình có thể viết những dòng từ ruột gan, từ trải nghiệm của bản thân, từ cái nhìn chắc chắn vẫn còn hạn hẹp này, bất chấp phán xét của người khác, để chia sẻ với các bạn.

Mình vốn là người rất kín tiếng, kín đến mức người thân cũng không biết mình hẹn hò như thế nào. Nếu bạn gặp mình của ngày trước, bạn sẽ không thể nào bắt gặp mình chia sẻ ảnh của mình làm gì, đọc sách gì, học cái gì,… với người khác. Mình chỉ cảm thấy an toàn khi không ai biết mình đang nghĩ gì, làm gì, như thế nào cả. Nhưng mình đã học hỏi, thách thức chính bản thân, vượt qua ngoài vòng an toàn của chính mình để chia sẻ với đồng nghiệp, bạn bè, viết những bài này dành cho các bạn. Những phán xét, chê cười, hay tích cực hơn, là người khác có thể “đoán” được mình nghĩ gì, làm gì… không còn quan trọng với mình như ngày trước nữa. Mình không sống vì những điều đó.

Bài viết khá dài, dù mình đã cố gắng viết súc tích nhất có thể, và bố cục theo phần cho dễ hiểu. Cảm ơn các bạn đã đọc đến tận những dòng cuối cùng.

Sau khi học được cách tự tin lên, chúng ta cũng nên học cách vượt qua cái tôi của chính mình để thừa nhận nỗ lực của người khác.. Làm việc với những người giỏi hơn mình, hãy hiểu rằng không ai tự nhiên có ngày hôm nay. Đừng so sánh khập khiễng để rồi tự ti. Hãy vượt qua cái tôi của chính mình để thừa nhận người khác. Mình sẽ chia sẻ điều cuối cùng ở phần 3 của Làm việc với người giỏi hơn mình.

Kết thúc Phần 2

Phần 1 xem ở đây

Advertisement

2 thoughts on “Làm việc với người giỏi hơn mình (Phần 2)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s