Gần đây khi làm việc nhóm trên máy tính và điện thoại nhiều hơn thay vì gặp đồng nghiệp trực tiếp ở văn phòng, những trăn trở quay lại rồi ở luôn lại, không đi nữa.
Mình suy nghĩ nhiều về việc liệu những nỗ lực như vậy có xứng đáng, liệu những lời nói như vậy có làm người khác tự ái, liệu có cách nào vực dậy một tinh thần làm việc nhóm cao hơn. Làm việc với con người quả không dễ dàng gì.
Nhiều bạn trẻ khi đi tìm việc đều khẳng định có kỹ năng làm việc nhóm tốt. Thậm chí cả những người kỳ cựu với nhiều năm kinh nghiệm làm việc cũng cho rằng bản thân họ là “team player.” Nhưng khi mình nhìn vào những câu chuyện xoay quanh công việc với họ, mình bắt đầu nghi ngờ, liệu mình có hiểu sai về làm việc nhóm không.
Trăn trở một ngày cũng mấy hồi… mệt quá mình lại lang thang trên Psychology Today. Bài viết bản gốc cũng cách đây lâu rồi, nhưng cho đến tận hôm nay nó vẫn có nhiều ý đúng. Bài viết chủ yếu nói đến người lãnh đạo nhóm nhưng ta có thể học được ít nhiều về cách làm việc nhóm hiệu quả. Cơ bản dù trưởng nhóm hay thành viên cũng có thể được chia làm người hướng nội và hướng ngoại…
Có đọc bản gốc, tự mày mò dịch sang tiếng Việt, mới thấy bài ngắn gọn, không đao to búa lớn, nhưng hợp lý và dễ hiểu. Mình có thể đọc nhiều nhưng những bài viết quá dài vì trích dẫn quá nhiều các nghiên cứu khoa học lại không phải “đam mê” của mình, không – bao – giờ.
Chúc các bạn ngày đọc vui vẻ.
—
Tại sao người hướng nội có thể trở thành những nhà lãnh đạo tài ba
… chỉ khi bạn cho họ một cơ hội.
Khi cần chọn một người lãnh đạo trong nhóm, bạn sẽ chọn ai? Liệu đó sẽ là người nhiệt tình năng nổ trong các buổi họp hay người đầu tiên chủ động khi nhận được các email? Những cá nhân này có lẽ cũng là những người có xu hướng thẳng thắn, hòa đồng và hào hứng nhất với các cơ hội. Tuy nhiên, đừng để sự nhiệt tình đó đánh lừa bạn.Thực tế sự lựa chọn tốt nhất lại là người thường trầm tính và kín đáo, người luôn ngồi phía sau trong các cuộc thảo luận nhóm. Các nhà nghiên cứu đang dần phát hiện ra rằng người hướng nội là những nhà lãnh đạo tốt hơn người hướng ngoại vì một lý do đơn giản: họ thường lắng nghe và chú ý đến những gì người khác nói nhiều hơn. Đó là những người hướng nội mà bạn sẽ muốn chọn làm lãnh đạo, không phải người hướng ngoại.
Như đã thảo luận trong một bài blog trước đây của tôi, hướng nội là một đặc điểm tính cách phức tạp. Cho rằng tất cả những người trầm tính và hơi nhút nhát đều hướng nội là một kết luận quá vội vàng. Hướng nội có một số khía cạnh khác nhau. Không phải người hướng nội không thích người khác mà họ thường không nói về mình. Một thực tế quan trọng khác cần xem xét là tính hướng nội có thể thể hiện khác nhau ở những người khác nhau. Điều đó còn phụ thuộc vào các đặc điểm tính cách nổi trội khác của họ. Tính trách nhiệm cao cộng với hướng nội cao là một sự kết hợp khác biệt so với tính trách nhiệm thấp đi với tính hướng nội cao.
Nhà tâm lý học Adam Grant từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) gần đây trong một buổi phỏng vấn với Tiến sĩ Lisa Rosenbaum, một bác sĩ tim mạch tại Trường Y Cornell (Mỹ), đã trả lời câu hỏi về các đặc điểm của một bác sĩ giỏi. Liệu đó là người có “kỹ năng con người” (people skills) – có thể lăn xả tích cực vào các cuộc trò chuyện, hay là người “ít nói”? Nếu tạm đơn giản hóa vấn đề, câu trả lời sẽ là người thiếu khả năng ăn nói. Các bác sĩ trầm tính hơn thực sự lại có thể là những người chăm sóc y tế cho bạn tốt hơn. Tại sao lại thế? Không nhất thiết là vì họ thông minh hơn hoặc hiểu biết hơn, nhưng vì họ làm theo hướng dẫn, kiểm tra các triệu chứng so với chẩn đoán cẩn thận, và đảm bảo luôn theo đúng các quy trình, hệ thống y tế chuẩn chỉnh.
Ý kiến của nhà tâm lý học Grant dựa trên nghiên cứu về các phẩm chất tính cách của nhà lãnh đạo hiệu quả mà ông và cộng sự đã tiến hành năm 2011. Trong nhiều năm, người ta vẫn cho rằng những người có tính hướng ngoại cao có những phẩm chất cần thiết để lãnh đạo, ví dụ như uy tín, khả năng lôi cuốn, và gắn kết với các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, giờ đây các nhà nghiên cứu tin rằng sự lãnh đạo của người hướng ngoại có thể có những cái giá nhất định. Giống như các bác sĩ với khả năng tiếp cận bệnh nhân tốt lại không giỏi tiếp nhận lại phàn nàn từ bệnh nhân, các nhà lãnh đạo hướng ngoại thường không chú ý đến nhu cầu và mối quan tâm của các thành viên trong nhóm. Có thể bạn sẽ đánh giá các nhà lãnh đạo hướng ngoại với mức độ hài lòng cao hơn, nhưng khi nói đến quản lý hiệu quả, có khi người đó đã thất bại trong việc tối đa hóa năng suất làm việc của nhóm. Lãnh đạo nhóm bởi người hướng ngoại có thể phải trả những cái giá nhất định.
Các nhà lãnh đạo hướng ngoại thường muốn cấp dưới của họ chủ động hơn, tham gia nhiều hơn và làm việc cá nhân hiệu quả, nhưng thực tế ngược lại, có thể khiến cho các thành viên nhóm trở nên thụ động và không năng suất. Theo thuyết bù trừ (bản gốc: dominance complementarity theory), các nhóm hòa hợp hơn khi người lãnh đạo và các thành viên trong nhóm cân bằng xu hướng cầm cương của họ. Mâu thuẫn có thể nhiều hơn khi một cấp trên hướng ngoại cố gắng quản lí một nhóm nhân viên năng động. Tình huống này sẽ chỉ cản trở năng suất và sự hòa hợp của nhóm.
Ngoài việc cho phép các thành viên đóng góp tích cực hơn vào thành công của nhóm, các nhà lãnh đạo hướng nội dành thời gian lắng nghe nhiều hơn nói. Ngoại suy từ tiên đề “hai cái đầu luôn tốt hơn một”, nhiều cái đầu cùng chia sẻ sẽ tốt hơn một cái đầu liên tục điều khiển mọi chuyện.
Trong một nghiên cứu trên 57 quản lý cửa hàng của một chuỗi cửa hàng pizza Mỹ, Grant và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng khi nhân viên siêu năng động, chủ động tạo ra và thực hiện các ý tưởng và đề xuất cải tiến, các cửa hàng được quản lý bởi người hướng nội có lợi nhuận hàng tuần cao hơn 14% so với các cửa hàng được quản lý bởi người hướng ngoại. Mô hình tương tự được lặp lại trong một nghiên cứu thử nghiệm với các sinh viên đại học. Tính chủ động được đánh giá bằng số lượng áo phông gấp được và phần thưởng là những chiếc iPod Nanos. Khi các thành viên trong nhóm đều chủ động, năng suất trong mỗi 10 phút của nhóm do người hướng nội đứng đầu cao hơn 28% so với nhóm do người hướng ngoại. Kết quả tệ nhất thuộc về sự hai sự kết hợp: một là giữa người lãnh đạo có tính hướng ngoại thấp với thành viên nhóm thụ động, và còn lại là người lãnh đạo có tính hướng ngoại cao và thành viên nhóm năng động.
Bài học rút ra là tính cách của người lãnh đạo và các thành viên nhóm nên hài hòa để nhóm đạt được năng suất tối đa. Tuy nhiên, vì nhóm đạt hiệu quả cao nhất chỉ khi nó phản ánh nỗ lực của mọi người trong nhóm, người lãnh đạo nào khai thác được nỗ lực tốt nhất của mỗi thành viên trong nhóm sẽ mang lại hiệu quả nhóm tốt nhất. Và cũng khiến cho các thành viên của họ cảm thấy có đóng góp vào nỗ lực chung của nhóm.
Quay trở lại câu hỏi về bác sĩ hướng nội, chúng ta có thể thấy rằng các nguyên tắc về sự vượt trội của bác sĩ chẩn đoán có tính cách hướng nội có thể được áp dụng trên các lĩnh vực khác của cuộc sống. Bằng cách chú ý nhiều hơn đến các chi tiết, cân nhắc những ưu và nhược điểm trước khi đưa ra quyết định, và tránh các hành động bốc đồng, những người có tính hướng nội cao có thể là người bạn luôn có thể tin cậy khi cần giúp đỡ. Một cấp trên tạo điều kiện cho bạn đóng góp tốt nhất sức mình cũng sẽ giúp bạn cảm thấy thực sự có động lực hơn trong công việc hoặc học tập. Thay vì làm theo lệnh của người khác, bạn có thể đưa ra hướng đi của riêng mình và theo đó có thể đạt được thành tựu lớn hơn từ chính tiềm năng của bạn.
Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng những phát hiện trên vào cuộc sống của chính bạn:
- Nếu bạn là người hướng ngoại, hãy bình tĩnh. Bạn có thể vốn là người bộc trực, duyên dáng và hòa đồng, nhưng hãy thừa nhận rằng với việc luôn luôn chỉ đạo, bạn lại đang làm giảm sút tinh thần của các thành viên trong nhóm.
- Nếu bạn là người hướng ngoại, hãy học cách lắng nghe. Người hướng ngoại thường quan tâm đến người khác nhưng họ không lắng nghe người khác nói gì. Nếu bạn có chút khả năng ăn nói, hãy buộc bản thân im lặng đủ lâu để cân nhắc những gì bạn nghe từ đồng nghiệp, cấp trên, sinh viên, hoặc bạn bè của bạn.
- Nếu bạn là một người hướng nội, hãy dũng cảm lên. Tính cách vẫn có thể thay đổi được ở bất cứ tuổi nào. Trừ khi bạn đang khổ sở với kiểu trầm lặng và kín đáo của mình, hãy thừa nhận rằng chính bạn là người có thể mang đến kết quả nhóm tốt nhất. Tuy nhiên, để lãnh đạo thành công với tính hướng nội, bạn cần được ghép với những nhân viên chủ động, nếu không chẳng ai sẽ làm gì cả. Hãy suy nghĩ làm sao để có thể sử dụng tốt nhất các kỹ năng của thành viên trong nhóm và khai thác chúng càng nhiều càng tốt.
- Khi bạn cần chọn một người làm lãnh đạo, hãy cân nhắc sự cân bằng giữa các thành viên trong nhóm đó. Như nghiên cứu của Grant đã chỉ ra, bạn sẽ có được năng suất cao nhất khi tính cách của người lãnh đạo với tính cách của các thành viên trong nhóm bổ sung lẫn nhau. Nếu một người đang lãnh đạo một nhóm mà bạn biết người có sức lôi cuốn và quyền lực, nhóm đó sẽ hòa nhập với nhau tốt hơn khi các thành viên trong nhóm có chút thụ động hơn. Tuy nhiên, một nhà lãnh đạo “to mồm” có thể lấn át mất năng suất tối ưu của một nhóm các thành vốn luôn năng động.
- Đừng bị lay động bởi sức thu hút của một người. Hãy đánh giá dựa trên năng lực thực tế của họ. Hãy nhớ lời khuyên của Grant về các bác sĩ. Bạn nên chọn một người thực sự có năng lực hơn là một người chỉ ngời ngời tự tin.
—
Bài viết gốc cũng lâu rồi, mình đoán đó là lý do không thấy nhắc đến người vừa hướng nội vừa hướng ngoại (ambiverts) ở đây. Nhưng vì ambiverts là kết hợp của cả hai, nên mình tin rằng hiểu về về tính bù trừ cũng sẽ có ích cho họ khi làm việc nhóm.
Bài dịch chỉ mang tính chia sẻ, không có mục đích thương mại hay bất cứ mục đích nào khác.
Nguồn: Psychology Today
Người dịch: Dân Ann
4 thoughts on “Người hướng nội và hướng ngoại – làm việc nhóm”