Hôm trước nói chuyện với một bạn cùng công ty, bạn hỏi “Có áp lực không chị?” làm mình hơi ngạc nhiên. Ngạc nhiên không phải vì câu hỏi của bạn mà vì trước giờ các đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn chưa ai từng hỏi mình câu này.
Thời gian này mình ít viết vì đang mải đọc một cuốn kinh điển hơi khó nhằn, mà có lẽ một phần cũng vì mệt. Đã định viết bài này từ hôm đó mà đến giờ mới bắt đầu. Cái khó của việc viết có lẽ chính là khoảnh khắc vượt qua được sự chây ỳ để bắt đầu. Nhưng vui sao một khi đã viết, mọi thứ sẽ tự khắc theo dòng suy nghĩ mà trở ra. Từng chữ, từng câu viết ra tâm trí dần chìm đắm vào thế giới riêng của chính mình, một thế giới tự do do chính mình tạo ra, một thế giới không ai có thể xâm phạm. Khi viết mình thường mở một chút nhạc không lời. Nhạc vang lên đến đâu, chữ viết ra đến đó, một cảm giác gần giống như thiền.
Năm nay đọc khá nhiều CV và phỏng vấn nhiều bạn trẻ. Nhiều bạn rất tự tin rằng “em có thể chịu được áp lực công việc.” Khi hỏi áp lực công việc đến từ đâu, các bạn kể về áp lực làm nhiều công việc khác nhau, áp lực KPIs, áp lực từ cấp trên, áp lực khi ứng xử với khách hàng… đều là những yếu tố đến từ bên ngoài. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi áp lực đến từ công việc hay do năng lực của chính bản thân?
MỘT, THỜI GIAN
Phần lớn áp lực trong công việc đến từ áp lực về thời gian. Bạn không có đủ thời gian làm một việc hoặc nhiều việc đến cùng trong một khoảng thời gian ngắn. Chúng ta dễ bị rối vì không biết bắt đầu từ đâu trong khi mỗi một khoảnh khắc trôi qua deadline lại đến gần hơn. Đây chắc chắn không phải lần đầu tiên bạn nghe nhắc đến nhưng nó chính xác là thứ chúng ta cần: kỹ năng quản lý thời gian.
Cách đây mấy năm ngồi tám chuyện với bạn cũ, bọn mình đã tranh luận về việc làm thêm giờ là tốt hay không. Nhiều công ty cho rằng nhân viên ở lại sau giờ làm là nhân viên tận tụy và muốn cống hiến. Nhiều công ty còn gây ra một áp lực vô hình khi nhân viên không dám ra về trước cấp trên. Thực sự kì cục. Đối với mình, những người hoàn thành tốt công việc trong giới hạn thời gian làm việc ở công ty mới là những nhân viên đáng tiền thuê về làm việc. Những người hoàn thành tốt trong thời gian ngắn hơn là người có năng lực. Nếu không có việc khẩn cấp như yêu cầu đột xuất của khách hoặc bất thường như những công việc mang tính chất mùa vụ, ở lại sau giờ làm việc chỉ chứng tỏ khả năng quản lý thời gian của chúng ta có vấn đề. Có thể do thiếu kỹ năng chuyên môn, thiếu tập trung,… và thiếu kỹ năng quản lý thời gian nên đã không thể giải quyết các việc phải làm trong khoảng thời gian cho phép.
Trong một bài viết trước, mình có nhắc đến 3 kiểu người ở nơi làm việc. Khi quản lý tốt thời gian, bạn có thể từ một người chỉ làm đúng phần việc được yêu cầu, trở thành người làm nhiều hơn. Những người trẻ đi làm không nên biến mình thành cỗ máy. Cỗ máy chỉ làm đúng việc được giao. Trong khi đó nếu bạn làm nhiều hơn, bạn học hỏi được nhiều hơn, và có thể đóng góp cho sự phát triển của tập thể. Dù việc làm nhiều hơn có được thừa nhận, có đủ để giúp bạn đạt được vị trí và thu nhập tốt hơn trong công ty hay không, vẫn có hai điều chắc chắn. Một là minh chứng bạn đủ khả năng quản lý tốt thời gian của bản thân. Hai là bạn nắm trong tay cơ hội phát triển các kỹ năng khác của bản thân. Làm nhiều việc khác ngoài nhiệm vụ của mình chắc chắn sẽ đòi hỏi những kỹ năng và có thể chuyên môn khác với thứ bạn đang có. Nhưng chính vì vậy, bạn có thể học hỏi để trau dồi thêm cho chính bản thân mình. Người được lợi đầu tiên và cuối cùng vẫn chính là bản thân bạn. Đầu tư vào chính bạn là sáng suốt nhất.
Nhưng vẫn phải nhấn mạnh lại rằng, trước tiên phải làm tốt nhiệm vụ của mình đã. Khi bạn thành thạo công việc được giao, bạn có thể hoàn thành nhanh hơn, và dành thời gian rỗi ra để làm thêm, học hỏi thêm. Ví dụ một báo cáo Excel hàng tuần thường mất 2-3 tiếng để hoàn chỉnh. Bạn có thể cố gắng để hoàn thành trong thời gian 1.5 tiếng. Thay vì nghĩ rằng mình “có” 3 tiếng để làm báo cáo này, bạn có thể tự đặt giới hạn cho bản thân xuống 2, 1.5, rồi 1 tiếng. Chỉ khi chịu áp lực về thời gian, bạn mới có động lực để tìm ra cách làm hiệu quả hơn. Tự khắc bản thân bạn lúc đó sẽ tìm cách nhắc nhở các phòng ban liên quan gửi số liệu đúng hẹn, tập trung, học thêm formulas, tạo template, v.v..v Áp lực về thời gian vô tình đã trở thành một động lực tốt.
Trong công việc có những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất như tán gẫu với đồng nghiệp, họp hành liên miên, báo cáo emails chậm trễ từ phòng ban khác, sự trễ nải hoặc bất tài của đồng nghiệp trong nhóm dự án, yêu cầu gấp từ cấp trên, v.v..v chúng ta không thể kiểm soát được. Nhưng hành động của chính mình thì hoàn toàn có thể. Kỹ năng quản lý thời gian nói chung không phải là việc lên một danh sách các việc cần làm với phân bổ thời gian chi tiết. Quản lý tốt thời gian của mình trong công việc là đủ khả năng làm tốt việc được giao trong khoảng thời gian cho phép. Bớt những việc không cần thiết. Biết ưu tiên việc quan trọng và gấp trước. Không cố gắng làm nhiều việc cùng lúc.
HAI, ĐỒNG NGHIỆP
Chính con người tạo nên môi trường làm việc trong công ty. Nhiều nhân viên nghỉ việc với lý do môi trường làm việc không quen kỳ thực vì chính bầu không khí nặng nề, độc hại do những con người ở đó tạo ra. Lãnh đạo có thể đưa ra những định hướng và khẩu hiệu văn hóa rất hay nhưng thực hiện được phải do những nhân viên cấp dưới của họ. Môi trường làm việc tốt là nơi các nhân viên thể hiện được năng lực trong công việc và sự tích cực trong ứng xử làm việc với đồng nghiệp. Đồng nghiệp độc hại có thể khiến nhân viên bị ngộp thở và quyết định ra đi dù các yếu tố khác có tốt như thế nào đi nữa.
Bạn có thể nói “mệnh ai nấy làm” nhưng thực tế phần lớn công việc đều đòi hỏi sự hợp tác lẫn nhau giữa nhiều phòng ban bộ phận trong công ty. Áp lực từ đồng nghiệp có thể thể hiện ở thái độ thiếu hợp tác một cách cố ý, không đủ khả năng hợp tác do thiếu năng lực, hoặc tính cách tiêu cực.
Chúng ta có thể gặp phải những đồng nghiệp không hợp tác. Lại có những đồng nghiệp hợp tác rất vui vẻ nhưng năng lực lại không đủ khiến bạn có khi còn phải gánh thêm phần việc của họ. Khi bạn là người chịu trách nhiệm cho chính công việc của bản thân nhưng có những yếu tố cần sự hợp tác, họ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến kết quả công việc của bạn, và tệ hơn là của cả nhóm. Có người thẳng thắn sẽ đối đầu trong khi nhiều bạn lại lựa chọn giữ im lặng vì nhiều lý do. Người đồng nghiệp đó có thể là đàn anh đàn chị trong công ty, là người thân của cấp trên, là bạn bè thân thiết với bạn ngoài công việc, bạn sợ mất lòng đồng nghiệp, bạn sợ cấp trên thù hằn, v.v..v
Thật sự thê thảm cho những môi trường làm việc có những con người như thế. Thê thảm từ người không hợp tác hay không đủ năng lực. Thê thảm đến cả người giữ im lặng. Cuối cùng công việc không đâu vào đâu và các mối quan hệ bắt đầu rạn nứt. Mọi thứ kết thúc bằng đơn xin nghỉ việc một cái SIM điện thoại mới. Bạn cần báo cáo với cấp trên về những trường hợp như vậy. Trưởng nhóm và lãnh đạo cần có phương pháp quản lý minh bạch và công bằng để những nhân viên rơi vào tình cảnh này có thể tin tưởng và cảm thấy an tâm khi nói ra. Miễn là mỗi lần lên tiếng, chúng ta đều thể hiện với thái độ tôn trọng, góp ý mang tính xây dựng tích cực và vì mục tiêu chung của nhóm và công ty, không ai nên cảm thấy bị xúc phạm hay sợ hãi lo lắng, hay mang cảm giác tội lỗi nào cả.
Lại có những đồng nghiệp lan tỏa ra một bầu không khí rất tiêu cực. Họ có thể mang chuyện cá nhân đến công ty, tụ tập nói xấu người khác, đối xử giả tạo với bạn rồi dâm lén sau lưng, nói rất nhiều nhưng làm rất ít, trốn tránh trách nhiệm, đùn đẩy việc khó, bao che cái xấu, xu nịnh cấp trên, hứa hẹn ngông cuồng v.v..v Làm việc chung với những người tiêu cực như vậy sẽ khiến chúng ta cảm thấy chán nản, mất động lực, và thậm chí bắt đầu có những ý nghĩ coi thường họ trong đầu mình. Với những điều liên quan trực tiếp đến công việc như năng lực và thái độ hợp tác, mong muốn thay đổi là điều được hiểu và công nhận bởi vì công việc vẫn cần được làm một cách hiệu quả. Nhưng đối với những tính cách cá nhân tiêu cực như vừa kể, chúng ta không thể và cũng không nên nghĩ đến việc thay đổi họ. Làm gì bây giờ?
Nếu bạn là một thành viên nhóm bình thường, bạn vẫn cần phải lên tiếng, một cách tế nhị. Bởi công việc là công việc. Chúng ta không đến công ty để dự tiệc drama hay tệ hơn bị biến thành một người giống như thế. Bạn cần nói ra với cấp trên về những quan sát của mình để họ có thể hành động. Một lần nữa, trưởng nhóm và lãnh đạo cần tạo được cảm giác tin tưởng cho nhân viên để họ cảm thấy thoải mái khi đưa ra những góp ý về các đồng nghiệp tiêu cực. Tính tiêu cực hay tích cực đều dễ lan truyền. Một môi trường có nhiều người tích cực sẽ lan tỏa nhiều năng lượng tích cực. Bạn sẽ là một trong số đó.
Ngoài ra, áp lực trong công việc có thể đến từ chuyên môn. Thiếu kỹ năng chuyên môn có thể khiến ta mất nhiều thời gian hơn cho mỗi công việc, dẫn đến áp lực về thời gian như ở trên. Bản chất công việc có thể khó hơn những gì ta đang làm được, và khi thiếu sự hợp tác hoặc năng lực của các cộng sự, mọi thứ có thể sẽ còn tệ hơn. Thiếu kỹ năng chuyên môn cũng có thể dẫn đến áp lực về tâm lý khi làm việc cùng các đồng nghiệp khác, với khách hàng, và với cấp trên. Cách duy nhất là nỗ lực học tập chuyên môn. Bạn sẽ phải gạt cái tôi cá nhân sang một bên để học hỏi từ các đồng nghiệp đi trước, xin hướng dẫn từ cấp trên, và tự đề cử bản thân vào các khóa học liên quan trực tiếp đến chuyên môn do công ty tài trợ hoặc tự đi học thêm ở ngoài.
Kết bài
Áp lực sẽ biến thành động lực khi bạn nhìn vào nó một cách tích cực. Không có áp lực thì khó ai có thể thúc đẩy bản thân làm tốt hơn. Nếu trọng lực giữ cho chúng ta đứng được trên mặt đất thay vì mơ mộng trên cao, áp lực sẽ thúc đẩy ta tiến về phía trước thay vì giậm chân tại chỗ để rồi bị tụt lại phía sau. Mong các bạn sẽ tự tin không chỉ trong CV hay phỏng vấn, bạn sẽ làm được trước bất kỳ áp lực nào trong công việc.