Kẻ giả tạo và người chân thật

Mình vẫn chưa đọc xong cuốn kinh điển kia. Mục tiêu có lẽ là hết tháng này, nên phải đến lúc đó mới bắt đầu viết về cuốn đó được. Hôm nay đọc được một bài mới này trên Psychology Today khá thú vị. Trước giờ mình chưa bao giờ nghĩ đến mối liên hệ giữa sự chân thật của một người và cảm giác thích ở một mình. Bài dịch xin được bắt đầu.

 Kẻ giả tạo không thích ở một mình. Chỉ người chân thật mới như thế.

Những người thực sự chân thật với chính mình có xu hướng tận hưởng thời gian ở một mình.

Bạn sẽ nhận ra khi gặp những kẻ giả tạo trong cuộc đời mình. Họ có thể là những kẻ thích xu nịnh. Họ cười kể cả khi nghe những chuyện chẳng buồn cười chút nào. Họ nói những điều mà chính họ cũng không tin, nhưng vì họ nghĩ rằng khi đó người xung quanh sẽ thích họ. Hoặc “người đó” sẽ thích họ, người mà họ đang cố gắng gây ấn tượng. Họ luôn rất cố gắng như thế.

Như vậy có vẻ… cố quá. Tất cả chúng ta ít nhiều đều để ý đến những gì người khác nghĩ, ngay cả khi chúng ta khẳng định rằng mình không phải thế. Cố gắng để hòa nhập là điều dễ hiểu, và có lẽ cũng có lợi ích nào đó. Nhưng ta sẽ phải trả những cái giá nhất định so với việc hiểu mình là ai và sống đúng với con người thật của mình.

Chắc bạn sẽ không thích ở cạnh những người có vẻ không chân thật đâu. Bạn cảm thấy không thoải mái. Bạn biết không? Chính họ cũng không thích thời gian ở với chính mình. Đó là một trong những cái giá phải trả của sự giả tạo – sẽ không có gì vui khi ở một mình.

Ngược lại, những người chân thật có một lợi thế lớn: họ thích ở một mình. Họ không sợ thời gian một mình. Họ không lo ngại về việc cô đơn. Thời gian ở một mình là điều họ rất coi trọng và tận hưởng.

Làm sao ta biết ai là người chân thật?

Tôi đã bắt đầu học tâm lý học về sự tận hưởng nỗi cô độc từ Thuy-vy Nguyễn, một nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Durham ở Anh. Ở hai bài viết trước của mình, tôi cũng chia sẻ nghiên cứu của cô ấy với các độc giả của “Living Single” (chú thích: Living Single là một chuyên mục riêng của tác giả bài viết này trên trang Psychology Today).

Nguyễn đo lường tính chân thật của một người bằng Chỉ số Khả năng Tự chủ (Index of Autonomous Functioning). Chỉ số này bao gồm ba phần. Dưới đây là một số ví dụ:

Hòa hợp: Hành động của bạn phù hợp với con người thật của bạn

“Các quyết định của tôi thể hiện những giá trị tôi coi trọng nhất.”

“Hành động của tôi tuân theo con người thực sự của tôi.”

“Chính con người thật của tôi đứng sau những quyết định quan trọng tôi đưa ra.”

Kháng cự: Bạn ít bị ảnh hưởng, bị áp đặt hay kiểm soát bởi người khác

Những người như vậy sẽ không đồng ý với các ý sau:

“Tôi tin vào một số điều nhất định để những người khác thích tôi.”

“Tôi làm mọi thứ để tránh cảm giác tồi tệ về bản thân mình.”

“Tôi cố gắng điều khiển bản thân làm một số việc nhất định.”

Tò mò: Bạn quan tâm đến cảm xúc và phản ứng của chính mình, ngay cả những cảm xúc và phản ứng bất ổn nhất

“Tôi quan tâm đến lý do tại sao tôi hành động như vậy.”

“Tôi rất tò mò khi thấy bản thân phản ứng sợ hãi hay lo lắng trước những sự kiện trong đời.”

“Tôi thích tìm hiểu về những cảm xúc của mình.”

Nguyễn tin rằng những người có ba đặc điểm kể trên (hành vi phù hợp với con người thực, không dễ bị áp lực bởi xã hội và tò mò về bản thân) là người thực sự thích dành thời gian một mình. Sự cô độc là thứ mà họ tận hưởng cho riêng mình. Họ không chỉ chạy trốn khỏi những người khác bởi vì họ thấy sợ hoặc thấy phiền.

Vậy làm sao ta biết họ thích ở một mình thật hay chỉ vì họ muốn trốn tránh những người xung quanh?

Nguyễn và các đồng nghiệp đã khảo sát những người tham gia ngay sau khi họ dành thời gian một mình tại sao họ lại dành thời gian đó một mình. Kết quả những người thực sự coi trọng và tận hưởng sự cô độc đều đồng ý với các ý kiến sau:

“Tôi thấy thích thú khi được ở một mình.”

“Tôi chọn ở một mình vì khoảng thời gian cho bản thân là một phần quan trọng trong mỗi ngày của tôi.”

“Tôi ở một mình vì cô độc là một trong những điều tôi coi trọng trong cuộc sống của mình.”

Khi xem xét cùng nhau, những thái độ đó thể hiện cho những gì mà Nguyễn gọi là “cô đơn tự chủ” (autonomy for solitude). Dành thời gian ở một mình là một sự lựa chọn, là sự tự chủ. Bạn muốn dành thời gian một mình, vì những lý do tích cực. Bạn không làm vậy bởi áp lực hay bị ép buộc.

Trong bốn nghiên cứu của mình, đầu tiên Nguyễn và các đồng nghiệp của cô, Netta Weinstein và Richard Ryan, đã yêu cầu những người tham gia hoàn thành một số đo lường về tính cách. Một trong số đó là Chỉ số Khả năng Tự chủ (Index of Autonomous Functioning) để đo lường tính chân chật. Tính hướng nội cũng được đánh giá. Đôi khi các đo lường khác cũng được đưa vào.

Sau đó, những người tham gia trả lời các mục khảo sát mỗi ngày trong khoảng từ 5 đến 14 ngày. Các mục khảo sát về “cô đơn tự chủ” (autonomy for solitude) đều được đưa vào.

Trong cả bốn nghiên cứu, chính những người chân thật và tự chủ đều đặc biệt có xu hướng nói rằng họ dành thời gian một mình vì họ thích và coi trọng việc có thời gian cho bản thân. Những người không chân thật, người mà tôi gọi là kẻ giả tạo, đặc biệt không có xu hướng ở một mình vì bản thân họ muốn được như thế. Họ ít có xu hướng thấy thời gian dành cho bản thân là quan trọng hay có giá trị nào đó.

Ở hai trong bốn nghiên cứu đó, Nguyễn và các đồng nghiệp của cô đã khảo sát về các lý do khác để dành thời gian ở một mình có thể là để né tránh người khác hơn là tận hưởng thời gian cho bản thân. Trong đó, những người tham gia đánh giá mức độ mà họ đồng ý với các câu ví dụ sau:

“Hôm nay tôi muốn ở một mình hơn là gặp người khác.”

“Hôm nay tôi thực sự mong mỏi được tránh xa khỏi những người khác để được ở một mình.”

Những loại cảm xúc trên biểu thị một “sở thích ở một mình”. Những người đó muốn ở một mình, nhưng không nhất thiết là vì họ thực sự thích hay coi trọng sự cô độc.

Trong cả hai nghiên cứu, sự chân thật không liên quan gì đến sở thích được ở một mình đó. Những người chân thật dù ít hay nhiều đều không phải vì muốn tránh xa người khác. Không liên quan đến việc họ muốn ở cùng người khác hay không, thời gian một mình nghĩa là những gì họ thực sự tận hưởng được từ nó.

Bạn có thể thích hoặc không thích thời gian một mình – Bất kể bạn là người hướng nội hay người hướng ngoại

Trong các nghiên cứu của mình, Nguyễn đã đo lường tính hướng nội bằng cách hỏi những người tham gia họ tự thấy mình là người như thế nào. Những người hướng nội là những người rất ít có xu hướng coi bản thân là người thích giao du với bên ngoài, nói nhiều, quyết đoán hoặc tràn đầy năng lượng. Họ có xu hướng thấy mình là người dè dặt, ít nói, nhút nhát hoặc ngại ngùng.

Những người hướng nội có xu hướng tận hưởng thời gian một mình cũng như những người hướng ngoại vậy, không ít cũng không nhiều hơn. Bạn có thể là người hướng ngoại, nói nhiều, tràn đầy năng lượng, mà vẫn rất muốn, rất trân trọng và tận hưởng thời gian ở một mình. Một số người hướng ngoại tận hưởng sự cô độc của họ và một số khác thì không.

Điều quan trọng là liệu bạn có phải là một người chân thật, người không dễ bị dồn nén bởi áp lực hay kiểm soát của người khác hay không. Nếu bạn là người chân thật và tự chủ, có lẽ bạn thực sự tận hưởng thời gian một mình.

Tò mò về bản thân liên quan gì đến việc thích thời gian ở một mình?

Các đặc điểm được đo bằng Chỉ số Khả năng Tự chủ (Index of Autonomous Functioning) bao gồm không chỉ tính chân thật và khả năng kháng cự áp lực xã hội. Những người hoàn toàn tự chủ cũng tò mò về những trải nghiệm cảm xúc của chính họ.

Ban đầu tôi tự hỏi, liệu điều đó có nghĩa là khi họ nhìn vào bên trong con người mình, họ có thích những gì họ thấy hay không. Nhưng dường như điều đó không nói lên toàn bộ câu chuyện. Ví dụ, những người tự chủ có xu hướng đồng ý rằng “Tôi rất tò mò khi thấy mình phản ứng sợ hãi hay lo lắng trước các sự kiện trong cuộc đời mình.” Họ cũng bồn chồn như bao người khác. Nhưng ngay cả khi cuộc sống không được như ý, họ không cố gắng chạy trốn khỏi những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Họ ngồi lại với những cảm giác khó chịu đó, một mình, và cố gắng tìm ra ý nghĩa của nó.

Một số học giả tin rằng có nhiều kiểu hướng nội khác nhau, và kiểu hướng nội xã hội (không thích giao du với bên ngoài) chỉ là một trong số đó. Jonathan Cheek và Jennifer Grimes đã mô tả ví dụ một số kiểu người hướng nội khác nhau bao gồm cả người hướng nội trầm tư (introspective introverts). Những người hướng nội hay trầm tư suy nghĩ sẽ đồng ý với các ý kiến sau:

“Tôi có một đời sống nội tâm phong phú, phức tạp.”

“Tôi thường chú ý đến cảm xúc bên trong của mình.”

Điều đó nghe có vẻ giống như sự tò mò của những người tự chủ. Vậy có lẽ, chỉ có kiểu hướng nội xã hội là không liên quan đến việc thực sự tận hưởng sự cô độc.

Lần tới khi viết về nghiên cứu của Nguyễn một lần nữa, tôi sẽ giải thích nó đã giúp tôi hiểu những người đơn độc (single at heart) như thế nào. (Tôi là một trong số họ.) Có một cái gì đó trong cách họ nói về cuộc sống của mình mà tôi vẫn cảm thấy khó hiểu cho đến bây giờ.

Tham khảo

Nguyen, T. T., Weinstein, N., & Ryan, R. (2018, August 20). Unpacking the “Why” of Time Spent Alone: Who Prefers and Who Chooses it Autonomously?

Bài dịch chỉ mang tính chia sẻ, không có mục đích thương mại hay bất cứ mục đích nào khác.

Nguồn: Psychology Today

https://www.psychologytoday.com/intl/blog/living-single/202006/phonies-don-t-spending-time-alone-authentic-people-do

Người dịch: Dân Ann

Bạn quan tâm có thể đọc thêm các bài dịch khác của mình (cũng từ trang Psychology Today) dưới đây.

Advertisement

3 thoughts on “Kẻ giả tạo và người chân thật

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s