Câu chuyện về bài kiểm tra tính cách (Phần 1)

Bạn có thường tò mò liệu người khác cũng có những đặc điểm tính cách như mình hay không? Hay bạn có thấy mình chẳng giống ai? Bạn đã từng thử làm các bài kiểm tra tính cách (personality tests) để tìm câu trả lời hay chưa?

Hôm qua đọc được một bài báo khoa học trên Psychology Today, mình mới hiểu thêm về nghiên cứu tính cách con người từ góc nhìn của các nhà nghiên cứu khoa học. Trước giờ mình hay làm các bài kiểm tra tính cách như MBTI, và thỉnh thoảng sẽ là những thứ vui hơn như Bạn là loài động vật nào? Bạn là nhân vật nào trong Avengers? v.v..v. Không giống như các bài mình dịch trước, blog của các tác giả trên Psychology, đây là article (bài viết) của một nhà nghiên cứu khoa học nên bài sẽ dài hơn. Mình sẽ chia thành 2 phần để các bạn đọc dễ hơn.

Phần 1

Khám phá mình là “kiểu người” nào có thể rất thú vị và giúp bạn thấy an tâm — nhưng cũng có thể gây hiểu lầm nghiêm trọng. Tại sao các bài kiểm tra tính cách phổ biến vẫn thu hút chúng ta?

Theo Tiến sĩ Jennifer V. Fayard, xuất bản ngày 20 tháng 12 năm 2019 – chỉnh sửa lần cuối ngày 23 tháng 1 năm 2020.

Khi còn là sinh viên năm nhất đại học, tôi đã thấy phân vân khi một số bạn bè ở quê dường như thay đổi thành những người khác sau khi đi học xa. Tôi bắt đầu khao khát tìm hiểu lý do tại sao chúng ta làm những điều ta đang làm và chúng ta trở thành con người mình như thế nào. Vào một buổi sáng mùa thu trong học kỳ đầu tiên vào năm 2002, tôi đến lớp và thấy giáo sư đã mời một vị khách đặc biệt — đại diện của một công ty thử nghiệm, người sẽ kiểm tra Chỉ số Phân loại Myers-Briggs (MBTI) cho cả lớp.

Giáo sư nói rằng MBTI sẽ đo tính cách của chúng tôi. Tôi thấy rất thú vị. MBTI giống như một cánh cổng mở ra đáp án cho mọi câu hỏi của tôi về bản chất con người. Tôi thực sự tự hào khi loại tính cách của tôi — INTJ, hướng nội, trực giác, suy nghĩ và phán đoán — được cho là chỉ đại diện cho 1 đến 2 phần trăm dân số, và tôi đã ngồi trước máy tính trong phòng ký túc xá của mình để nghiên cứu về nó đến tận khuya. Tôi bắt đầu sử dụng nó để giải thích cho bản thân và những người khác tại sao tôi lại làm một việc hoặc suy nghĩ theo cách như tôi vẫn làm. Đột nhiên mọi thứ đều trở nên hợp lý — tôi có một ngôn ngữ để mô tả sự khác biệt giữa mọi người. Trải nghiệm này đã khơi dậy mối quan tâm của tôi về tính cách, và điều này cuối cùng đã đưa tôi trở thành một nhà tâm lý học tính cách.

Tuy nhiên, khi ở trường cao học, tôi đã học được nhiều hơn về cách hình thành nên các thang đo và cách xác định liệu chúng có thực sự đo lường được những gì chúng ta mong đợi hay không. Thật thất vọng khi tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng các nhà tâm lý học tính cách nói chung không sử dụng MBTI.

Bạn có nên thất vọng không? Phải thừa nhận rằng các bài kiểm tra như MBTI rất thú vị. Nhưng nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu về bản thân hoặc sử dụng kết quả các bài kiểm tra đó để đưa ra quyết định trong cuộc sống của mình, bạn nên lưu ý đến cảnh báo của các nhà khoa học về những bài kiểm tra như thế. Một số cách tiếp cận phân tích tính cách dựa trên những nền tảng không vững chắc bằng cách khác, ngay cả khi mọi người thấy kết quả là những hình ảnh thu hút – thậm chí rất thuyết phục về bản thân họ.

Dấu hiệu của Vấn đề

Được phát triển vào những năm 1940 một cách lỏng lẻo dựa trên mẫu tính cách học của nhà phân tích tâm lý Carl Jung, MBTI (cùng với các sản phẩm nhái theo) đã được hàng triệu người sử dụng. Sau khi hoàn thành bài kiểm tra, người dùng sẽ nhận được một kiểu tính cách gồm bốn chữ cái dựa trên lựa chọn của họ trước các vấn đề trong cuộc sống. Chúng bao gồm chữ E (extraversion) hướng ngoại hoặc I (introversion) hướng nội; N (intuition) trực giác hoặc S (sensing) cảm giác; T (thinking) suy nghĩ hoặc F (feeling) cảm xúc; và J (judging) đánh giá hoặc P (perceiving) nhận biết. Có 16 kết quả kết hợp tương ứng 16 kiểu tính cách ví dụ như INTJ hoặc ESFP.

Những người chưa làm bài kiểm tra này cũng đã có thể thấy ít nhất một biến thể của nó trên mạng xã hội. Theo kết quả bài kiểm tra Harry Potter MBTI, tôi là Draco Malfoy. Ngoài ra còn có các bài kiểm tra khác liên quan đến các nhân vật trong Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars), các bộ phim của Disney và những thứ được yêu thích khác. MBTI bản chính thức có mặt khắp nơi trong thế giới doanh nghiệp: Các nhà quản lý sử dụng bài kiểm tra này trong tuyển dụng, quyết định bổ nhiệm và các hội thảo xây dựng nhóm. Ngoài nơi làm việc, người nguời chia sẻ và kết nối với nhau qua kết quả, các bài báo thi nhau giới thiệu mẫu hẹn hò lý tưởng hoặc thành phố phù hợp nhất cho các loại MBTI cụ thể, các công ty sử dụng chúng để tiếp thị sản phẩm và dịch vụ.

Một bài kiểm tra khác cũng phổ biến trên mạng là hệ thống tính cách Enneagram. Enneagram, bao gồm các yếu tố thần bí và có vẻ nguồn gốc từ cổ xưa, chia thành chín loại dựa trên các chữ số 1-9, với một loại thứ cấp, gọi là “cánh phụ”, được biểu thị bằng một con số khác.

Thật khó để lướt mạng mà không gặp những trích dẫn liên quan đến một trong những bài kiểm tra này. Vậy vấn đề là gì?

Carl Jung đã phát triển lý thuyết về tính cách dựa trên những hiểu biết cá nhân. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện đại về tính cách lại mâu thuẫn với ý kiến cho rằng các cá nhân có xu hướng chia thành các nhóm riêng biệt như  “thinkers” hay “feelers,” “sensates” hay “intuitionists,” và “judgers” hay “perceivers”.

Hãy xem xét cách tính điểm của MBTI. MBTI luôn xếp các cá nhân vào một trong hai nhóm trong từng cặp kể trên bất kể điểm của họ chênh lệch đến mức nào. Ví dụ, một người đạt 53 phần trăm ở khía cạnh hướng nội-hướng ngoại nhận được cũng một kết quả như người đạt 95 phần trăm: Cả hai đều được gắn nhãn “hướng ngoại”. Tuy nhiên, người đạt 53% có lẽ giống với người “hướng nội”, người chỉ đạt điểm dưới 50% hơn. Do đó, các “loại” tính cách bỏ sót rất nhiều thông tin; bằng cách phân loại tất cả mọi người là người hướng nội hoặc hướng ngoại, chúng ta đã bỏ lỡ mất thực tế rằng hầu hết mọi người thực sự rơi vào khoảng ở giữa. Sự lựa chọn bắt buộc này không thể nắm bắt được bản chất theo chiều hướng (dimentional nature) của tính cách.

Các kiểu MBTI ở bất kỳ cá nhân nào thường không nhất quán theo thời gian: Bạn có thể làm bài kiểm tra nhiều lần và nhận được các kết quả khác nhau, ngay cả khi thực tế bạn không thay đổi đáng kể. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong khoảng thời gian chỉ vài tuần, có đến một nửa số người tham gia nhận được hai kết quả khác nhau. Các nhà phát triển MBTI cũng thừa nhận rằng trong mẫu khảo sát của họ, 35 phần trăm nhận được một kết quả khác sau khoảng thời gian bốn tuần. Và mặc dù MBTI được sử dụng trong môi trường làm việc, nghiên cứu không cho rằng MBTI có thể dự đoán tốt về kết quả công việc.

Enneagram tương tự với MBTI về nhiều mặt. Các loại của nó có một số nội dung trùng lặp, và nhiều loại có thể phù hợp với cùng một người ở mức độ như nhau. Khi một người bạn của tôi, một người rất quan tâm đến Enneagram nài nỉ tôi cho anh ấy biết tôi thuộc loại nào, tôi thấy rằng không có loại nào miêu tả quá tốt, nhưng loại 1, 3 và 5 là gần nhất — và mỗi loại đều chứa các đặc điểm phù hợp với tôi ở cùng một mức độ.

Phân loại Tính cách của tôi

Mục tiêu của tôi không phải là chê bai các bài kiểm tra tính cách mà để hỏi một câu hỏi khác thú vị hơn với tôi: Nếu những bài kiểm tra này không tốt như nhiều người nghĩ, tại sao chúng vẫn được yêu thích như vậy, và tại sao một số người lại coi trọng kết quả của họ đến vậy? Tại sao ngày trước tôi cũng thế? Dưới đây là một số câu trả lời tiềm năng.

1. Chúng ta luôn tìm kiếm thông tin ẩn giấu về bản thân mình.

Mọi người khao khát hiểu biết bản thân mình (self-knoweledge). Trong một tập của podcast The Black Goat, nhà tâm lý học tính cách Simine Vazire cho rằng chúng ta thích các bài kiểm tra tính cách vì chúng ta hy vọng rằng chúng sẽ tiết lộ những thông tin về bản thân mà trước đây chúng ta chưa biết. Nhiều người tin rằng chúng ta có một “con người thật” (true self) ẩn giấu phía sau những gì chúng ta nhìn thấy bên ngoài. Bản thân các bài kiểm tra tính cách có thể góp phần khiến chúng ta cảm thấy rằng chúng ta không hiểu rõ về bản thân mình, hoặc rằng vẫn còn điều gì đó ta chưa biết. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng khi chúng ta nhận thấy các câu hỏi kiểm tra tính cách khá khó trả lời, chúng ta liền cho rằng những câu hỏi đó có nhiều khả năng đang tiếp cận sâu hơn vào điều gì đó trước giờ ta không biết.

Sự thật là chúng ta có thể đã biết khá rõ về bản thân mình. Nghiên cứu cho thấy bạn bè và gia đình, và đôi khi thậm chí cả những người lạ, có xu hướng nhìn chúng ta khá giống với cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Tất nhiên, có thể có những điều về bản thân mà bạn không biết, nhưng để tìm hiểu, bạn có lẽ nên hỏi những bạn bè thân thiết của mình hơn là làm bài kiểm tra MBTI hay Enneagram. Nghiên cứu chỉ ra rằng bạn bè có thể đánh giá tốt hơn chính bạn về sự sáng tạo và trí thông minh của bạn — những phẩm chất mà chúng ta khó có thể đánh giá ở bản thân một cách khách quan vì giá trị của chúng.

2. Chúng ta luôn muốn thuộc về một nơi nào đó.

Cảm giác được hiểu và làm một người bình thường, có lẽ lần đầu tiên, là một trải nghiệm rất quan trọng. Một người bạn của tôi gần đây đã mô tả ký ức của cô ấy về bài kiểm tra MBTI khi cô ấy còn học trung học. Là một nghệ sĩ, cô ấy cảm thấy khác biệt với những người bạn đồng trang lứa, và cô ấy nói đó là một niềm an ủi rất lớn khi biết rằng có những người khác ngoài kia cũng giống như mình. Không nghi ngờ gì nữa, những người khác cũng có phản ứng tương tự và không có gì ngạc nhiên khi ai đó sẽ phản ứng tiêu cực với ý nghĩ rằng nơi mà cuối cùng cũng dành cho mình không tồn tại.

3. Chúng ta muốn những cách đơn giản để hiểu người khác.

Thật khó để hiểu và thông cảm với người khác. Nếu điều đó là dễ dàng, sách và dịch vụ về cách ứng xử trong đủ loại các mối quan hệ đã không trở thành một ngành sinh lợi đến thế. Thật dễ bị thu hút bởi một đường tắt nào đó có thể cho phép chúng ta hiểu được xu hướng và động cơ của người khác trong nháy mắt, giúp chúng ta không phải vất vả thử rồi sai nhiều lần hay không phải khó xử khi chúng ta làm quen với họ.

Đây chính là mục đích của những bài kiểm tra như MBTI và Enneagram. Về lý thuyết, biết được loại MBTI hoặc số Enneagram của ai đó giúp chúng ta hiểu và tương tác xã hội với họ tốt hơn. Chúng ta thường phân loại mọi thứ mình gặp và dùng các danh mục đó để giúp mình hiểu thế giới xung quanh một cách nhanh chóng mà tốn ít năng lượng nhất. Những người khác xung quanh ta chắc cũng làm như vậy thôi.

Những động cơ như vậy có thể giúp giải thích cho sự hấp dẫn của các bài kiểm tra phân loại tính cách. Nhưng chúng không hoàn toàn giải thích được tại sao mọi người lại hiếm khi thừa nhận rằng kiểu tính cách của họ có thể không thực sự mô tả đúng về họ. Cách mà kết quả của bài kiểm tra được trình bày và cách chúng ta xử lý thông tin liên quan đến bản thân kết hợp với nhau tạo ra một trường hợp thuyết phục.

Nếu Loại tính cách đó đúng…

Các bài kiểm tra tính cách có vẻ rất chính xác ngay cả khi chúng không thực sự thế. Có lẽ bạn đã gặp ai đó tự nhận là Enneagram 3, và có vẻ như mô tả đó hoàn toàn chính xác với họ. Một lý do cho ảo tưởng về độ chính xác này có thể là định kiến xác nhận (confirmation bias). Confirmation bias là khi chúng ta tin điều gì đó là đúng, chúng ta bắt đầu chọn lọc thông tin dựa trên niềm tin đó. Khi ai đó nói rằng cô ấy là Enneagram 3, bạn có thể ngay lập tức để ý và nhớ đến hành vi phù hợp với kiểu người đó, và không nhận thấy hoặc thậm chí chủ động giải thích gạt bỏ đi những hành vi không nhất quán với mô tả của kiểu tính cách Enneagram 3. Sự khác biệt trong chú ý này có thể khiến bạn cảm thấy kiểu tính cách của cô ấy là chính xác — dù gì bạn cũng đã thấy rất nhiều bằng chứng trong hành vi của cô ấy.

Định kiến xác nhận cũng áp dụng cho những suy nghĩ về tính cách của chính bản thân chúng ta. Khi các yếu tố trong mô tả tính cách không phù hợp, chúng ta có thể ít chú trọng đến các yếu tố đó hơn so với những yếu tố phù hợp (hoặc những yếu tố chúng ta muốn phù hợp).

Chúng ta thích thú khi các bài kiểm tra “đoán trúng” về mình. Cảm giác được công nhận có thể liên quan đến cách chúng ta xử lý thông tin về bản thân. Vào năm 1948, Bertram Forer đã tiến hành một thử nghiệm, trong đó ông cho những người tham gia làm bài kiểm tra tính cách rồi nói với họ rằng kết quả này đã được cá nhân hóa riêng cho họ. Nhưng sự thực là ông đã đưa cùng một kết quả cho tất cả những người tham gia. Nó bao gồm một số kết luận chung chung có thể áp dụng cho hầu hết mọi người, chẳng hạn như “Bạn rất cần được người khác yêu thích và ngưỡng mộ” và “Bạn có xu hướng tự chỉ trích bản thân.” Đa số những người tham gia tin rằng mô tả chung chung đó rất chính xác. Kết quả thử nghiệm này đã cung cấp bằng chứng cho Hiệu ứng Forer (hay còn gọi là hiệu ứng Barnum) sau này.

Nhiều mô tả tính cách trong MBTI và Enneagram khá chung chung. Ví dụ như: trong mô tả chính thức về các loại MBTI, bạn sẽ tìm thấy các khẳng định mà có thể áp dụng cho hầu hết bất kỳ ai:

“[Họ] thích có không gian riêng và làm việc trong khung thời gian của riêng họ” (ISFP)

“Muốn có một cuộc sống bên ngoài phù hợp với các giá trị của họ” (INFP)

“Tận hưởng tiện nghi và phong cách về vật chất” (ESTP)

“Muốn được đánh giá cao vì con người họ và vì những gì họ đóng góp” (ESFJ)

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng trong mô tả tính cách có chứa cả thuộc tính tích cực và tiêu cực, chúng ta có xu hướng đánh giá những phẩm chất tích cực là chính xác hơn những phẩm chất tiêu cực.

Hãy xem xét tên của các loại Enneagram: 1 – Người Cải cách (The Reformer), 2 – Người Trợ giúp, 3 – Người thành đạt (The Achiever), 4 – Người theo chủ nghĩa cá nhân (The Individualist), 5 – Người điều tra (The Investigator), 6 – Người trung thành (The Loyalist), 7 – Người nhiệt tình (The Enthusiast), 8 – Người thách thức (The challenger), và 9 – Người tạo hòa bình (The Peacemaker). Tất cả đều là những điều tốt đẹp. Các loại MBTI không có tên chính thức, mặc dù một số trang web đã tạo ra nhãn tên để mô tả. Trong quá trình tìm kiếm thông tin về loại tính cách gắn cho mình, INTJ, tôi đã tìm thấy một mô tả gắn tên là “Bộ óc vĩ đại” (The Mastermind). Tôi thích rồi đấy!

Chính Enneagram cũng thừa nhận rằng chúng ta có thể có xu hướng tiêu cực. Tuy nhiên, các mô tả MBTI đều tích cực. Đây là một điều giúp chúng ta có thể chắc chắn rằng phân loại tính cách không hoàn toàn chính xác — ngay cả những người đáng ngưỡng mộ nhất trong số chúng ta cũng mắc lỗi.

Phần 2 ở đây

Bài dịch chỉ mang tính chia sẻ, không có mục đích thương mại hay bất cứ mục đích nào khác.

Nguồn: Psychology Today

Người dịch: Dân Ann

Advertisement

One thought on “Câu chuyện về bài kiểm tra tính cách (Phần 1)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s