Câu chuyện về bài kiểm tra tính cách (Phần 2)

Bạn có thường tò mò liệu người khác cũng có những đặc điểm tính cách như mình hay không? Hay bạn có thấy mình chẳng giống ai? Bạn đã từng làm các bài kiểm tra tính cách (personality tests) vì tò mò hay chưa?

Hôm trước đọc được một bài báo khoa học trên Psychology Today, mình mới hiểu thêm về nghiên cứu tính cách con người từ góc nhìn của các nhà nghiên cứu khoa học. Không giống như các bài mình dịch trước, blog của các tác giả trên Psychology, đây là article (bài viết) của một nhà nghiên cứu khoa học nên bài sẽ dài hơn. Mình sẽ chia thành 2 phần để các bạn đọc dễ hơn.

Tiếp tục với bài viết của Tiến sĩ Jennifer V. Fayard trên Psychology Today.

Phần 2 và hết

Một cách tốt hơn để phân chia tính cách

Hầu hết các nhà tâm lý học tính cách sử dụng các bài kiểm tra để đo lường 5 đặc điểm tính cách quan trọng nhất: tính hướng ngoại, tính thỏa hiệp, sự tận tâm, tính ổn định cảm xúc và sự cởi mở với trải nghiệm (the Big Five – extraversion, agreeableness, conscientiousness, emotional stability, and openness to experience). Năm đặc điểm này đại diện cho năm loại đặc điểm có xu hướng xuất thiện cùng nhau ở mỗi cá nhân.

Có thể bạn đã quen thuộc với thuật ngữ hướng ngoại và, ngược lại với nó, hướng nội. Nhiều người nghĩ về tính hướng ngoại chỉ như mức độ hòa đồng của một người. Hòa đồng là một phần của tính hướng ngoại, nhưng đặc tính hướng ngoại thực sự còn bao gồm nhiều hơn nữa: tính quyết đoán, hoạt động, vui vẻ, tìm kiếm hứng thú. Tất cả các đặc điểm này có xu hướng tương quan chặt chẽ với nhau. (MBTI đánh giá một phiên bản hơi khác của tính hướng ngoại, và bất kỳ ý nghĩa tiêu cực nào của tính hướng ngoại thấp — chẳng hạn như tự tách biệt — đều không được nhắc đến.)

Tính thỏa hiệp (agreeableness) là xu hướng tin tưởng vào người khác, tốt bụng, hợp tác, thông cảm, khiêm tốn và hào phóng của một người. Những người tận tâm (conscientious) là người kiên trì, chăm chỉ, tự chủ, có trách nhiệm và có tổ chức. Những người ổn định cảm xúc (emotionally stable) ít lo lắng, không ủ rũ, tự ý thức, có mức độ lo lắng, trầm cảm và chống đối thấp. Một số khảo sát của Big Five sử dụng thuật ngữ rối loạn thần kinh (neuroticism) đối lập với ổn định cảm xúc. Cuối cùng là những người cởi mở với trải nghiệm (openness to experience) thích thử những điều mới, có nhiều sở thích, có trí tuệ và trí tưởng tượng phong phú.

Mặc dù điểm số trên các đo lường của MBTI có tương quan với Big Five, hầu hết lại tương quan với nhiều hơn một trong số các đặc điểm Big Five, có nghĩa là mỗi loại MBTI có thể thể hiện sự pha trộn của một vài đặc điểm. Quan trọng là, sự ổn định cảm xúc không xuất hiện trong MBTI.

Big Five mô tả các kiểu suy nghĩ, cảm xúc và hành vi nhất quán. Nếu đôi khi bạn có vẻ hơi khác trong một số tình huống hoặc với một số người nhất định, điều này có thể là do một số tình huống yêu cầu chúng ta phải cư xử theo cách trái ngược với xu hướng tự nhiên của mình.

Ngoài các đặc điểm chính, nhiều bảng câu hỏi của Big Five cũng đo lường các khía cạnh hoặc thành phần phụ của từng đặc điểm. Ví dụ: thang đo tính hướng ngoại ở cấp độ khía cạnh có thể đo lường tính hòa đồng, tính quyết đoán, hoạt động, vui vẻ và tìm kiếm hứng thứ. Điều này giúp đo lường được cá nhân hóa hơn. Nếu nhìn chung bạn hướng ngoại ở mức độ vừa phải, có thể là do bạn đang ở đâu đó ở giữa trên mỗi khía cạnh của tính hướng ngoại. Tuy nhiên, nó có thể có nghĩa là bạn cao ở một số khía cạnh và thấp ở những khía cạnh khác.

5 đặc điểm của Big Five phần lớn độc lập với nhau, có nghĩa là điểm số của bạn trên một đặc điểm không xác định mức độ của bạn về một đặc điểm khác. Sự dè dặt (một khía cạnh của tính hướng ngoại thấp) không có nghĩa là người đó cũng có tính tự ý thức (mức độ ổn định cảm xúc thấp). Tương tự, tập trung vào thành quả và tính kỷ luật bản thân (sự tận tâm cao) không có nghĩa mặc định rằng bạn là người tò mò về trí tuệ (mức độ cởi mở với trải nghiệm cao), mặc dù bạn thực tế có thể như vậy.

Dưới đây là lý do tại sao các bài kiểm tra Big Five dễ dàng vượt qua MBTI hoặc Enneagram:

1. Chúng được phát triển bằng phương pháp khoa học.

Trái ngược với MBTI và Enneagram, Big Five và các lý thuyết cơ bản của nó được phát triển thông qua quan sát khoa học tỉ mỉ. Theo một số nghiên cứu khảo sát giả thuyết từ vựng trước đây: Nếu tồn tại những đặc điểm mà biểu hiện khác nhau ở mỗi người, và nếu việc hiểu những khác biệt đó là cần thiết để người ta hiểu nhau và tương tác với người khác, thì bất kỳ nền văn hóa nào cũng sẽ tạo ra một từ trong ngôn ngữ của mình để mô tả từng đặc điểm đó. Có khoảng 4.500 từ trong từ điển tiếng Anh mô tả các đặc điểm tính cách. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra năm cụm đặc điểm chính thông qua việc phân tích các đánh giá của một người về bản thân họ và những người khác bằng kỹ thuật thống kê, gọi là phân tích nhân tố, và nhóm các đặc điểm theo mức độ liên quan chặt chẽ của chúng.

2. Tổng thể tốt hơn phân chia.

MBTI và Enneagram cung cấp cho bạn một kiểu tính cách — một loại riêng khác biệt về chất lượng với các loại khác. Nhưng các đặc điểm của Big Five được đo lường tổng thể từ thấp đến cao.

Các nhà tâm lý học thích các đặc điểm hơn các phân loại. Một lý do là các loại là tập hợp của nhiều đặc điểm. Mô tả về kiểu ISFJ (introverted, sensing, feeling, và judging) bao gồm các phẩm chất như trầm lặng, có trách nhiệm và chu đáo, đại diện cho ba khía cạnh khác nhau của Big Five — hướng ngoại, tận tâm và thỏa hiệp. Tuy nhiên, tất cả chúng được gộp lại với nhau trong một loại của MBTI. Big Five lại đánh giá các đặc điểm riêng biệt và mang nhiều sắc thái hơn. Ngoài ra, vì các loại thường bao gồm nhiều đặc điểm, nên sẽ có sự trùng lặp trong các loại tính cách, và mọi người có thể nhìn thấy mình trong nhiều loại khác nhau.

Các phương pháp tiếp cận phân loại thường phân chia con người thế này hay thế kia, trong khi trên thực tế, các phẩm chất của con người được thể hiện tốt hơn một cách tổng thể, nhiều người trong chúng ta thường ở khoảng giữa nhiều hơn là ở mức quá cao hay quá thấp của một đặc điểm. Nguyên tắc này được phản ánh trong cách đo lường Big Five, với các câu hỏi sử dụng thang điểm mức độ thay vì dạng trắc nghiệm chọn đáp án.

3. Chúng có thể cho biết bạn đã thay đổi như thế nào.

Nếu bạn nhìn lại bản thân 10 hoặc 20 năm trước, bạn có thể sẽ nhận ra một số điểm khác bây giờ. Đôi khi những thay đổi đó rất tinh tế và đôi khi rất lớn, nhưng bạn có xu hướng ổn định hơn về mặt cảm xúc, quyết đoán hơn, thỏa hiệp hơn và tận tâm hơn. Khả năng các loại tính cách là nguyên nhân cho những thay đổi có ý nghĩa như vậy là không chắc chắn.

Thay vào đó, khi các đặc điểm riêng lẻ được đo lường tổng thể, như được thực hiện trong các bài đánh giá của Big Five, bạn có thể biết liệu mình có thay đổi ở một số đặc điểm nhất định hay không và chính xác là bao nhiêu. Nếu tôi đạt điểm 57 (trên 100) về sự cởi mở với trải nghiệm khi là sinh viên năm nhất đại học và điểm 72 ngày hôm nay, tôi có thể thấy rằng độ cởi mở của tôi đã tăng lên rõ rệt. Những đặc điểm tính cách khác của tôi cũng có thể thay đổi trong thời gian đó, dù nhiều hay ít.

4. Chúng dự đoán những điều mà tính cách nên dự đoán.

Nếu tính cách của bạn ảnh hưởng đến cách bạn tiếp cận thế giới, chúng ta sẽ mong đợi nó liên quan đến những lựa chọn bạn đưa ra và những gì xảy ra trong cuộc sống của bạn phải không? Big Five đã được chứng minh để dự đoán mức độ hài lòng với cuộc sống, giáo dục và kết quả học tập, hiệu suất và sự hài lòng với công việc, sự hài lòng trong mối quan hệ và ly hôn, sức khỏe thể chất, thời gian sống của con người và hơn thế nữa.

Vậy tại sao hầu hết mọi người không quen thuộc với Big Five? Tóm lại, chúng tôi đã tạo ra nó, nhưng chúng tôi không phô trương. Hầu hết các nhà nghiên cứu về tính cách là thế — nhà nghiên cứu — chỉ quan tâm đến học thuật và có kỹ năng học thuật cao hơn nhiều so với việc tiếp thị quảng cáo. Do đó, chúng tôi chưa làm tốt việc quảng cáo những phát hiện của mình cho công chúng. Các công ty thử nghiệm đã rất thành công trong việc bán các mô hình của họ bởi vì họ là doanh nghiệp kinh doanh.

Cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục

Trong khi Big Five có giá trị về mặt khoa học và nắm bắt rất nhiều trải nghiệm của con người, chúng chỉ đo lường cái mà nhà tâm lý học Gordon Allport gọi là “những đặc điểm chung”, những đặc điểm mà bạn có thể so sánh giữa các cá nhân. Chúng không tính đến mọi thứ khiến chúng ta trở nên khác biệt — chúng ta dừng xe giữa đường để di chuyển những con rùa bò ngang đường ra khỏi làn xe chạy, sự nhanh trí của chúng ta, tình yêu của chúng ta với vạn vật mùa thu, hoặc những điều kỳ quặc khác. Nhưng không có bài kiểm tra nào có thể làm được như vậy. Big Five cũng không thể nắm bắt được động lực của bạn, cảm xúc, giá trị, niềm tin, tài năng và những đặc điểm “đen tối” như chứng psychopathy (tâm thần nhân cách) và narcissism (ái kỷ), mặc dù các nhà tâm lý học tính cách có nghiên cứu những biến số này.

Cuối cùng, hầu hết các công trình về Big Five được thực hiện với các mẫu khảo sát từ phương Tây. Bằng chứng cho thấy năm đặc điểm này cũng hiệu quả tương tự ở các nền văn hóa khác là chưa rõ ràng, và đó là một trong những câu hỏi lớn mà chúng tôi đang giải quyết.

Mặc dù hệ thống Big Five có thể không tiết lộ bất kỳ bí mật ẩn giấu nào về bạn, nó có thể giúp bạn tóm tắt lại những gì bạn nhận thức về bản thân. Giống như MBTI đã từng làm cho tôi, nó có thể cung cấp cho bạn một ngôn ngữ để nói về con người của bạn — và điều gì khiến bạn giống hay khác biệt với những người cũng phức tạp không kém xung quanh bạn.

Phần 1 ở đây

Bài dịch chỉ mang tính chia sẻ, không có mục đích thương mại hay bất cứ mục đích nào khác.

Nguồn: Psychology Today

Người dịch: Dân Ann

Advertisement

One thought on “Câu chuyện về bài kiểm tra tính cách (Phần 2)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s