Quiet – những người hướng nội thầm lặng

Quiet: The power of Introverts in a world that can’t stop talking

ISBN: 9780141029191

(Từ nay mỗi lần viết về một cuốn sách, mình sẽ để ISBN ở đây để các bạn dễ tìm.)

Về tác giả và cảm nhận chung

Susan Cain và Quiet Revolution (Cuộc Cách Mạng Thầm Lặng) đã được nhắc đến trong một bài dịch từ Psychology Today của mình trước đây.

Quiet là cuốn sách tiên phong mở đường cho một cách hiểu sâu sắc và toàn vẹn hơn về tính hướng nội và người hướng nội. Bạn có biết rằng ít nhất một phần ba trong tất cả chúng ta là người hướng nội? Mình recommend sách này không chỉ cho người hướng nội trên hành trình hiểu về chính mình, mà cả người hướng ngoại và những người còn lại.

Quiet cho thấy một khối lượng nghiên cứu khủng khiếp, một lượng thời gian khổng lồ, và những nỗ lực rất đáng ngưỡng mộ phía sau 300 trang sách làm kinh ngạc cả thế giới. Susan không phải là một nhà tâm lý học. Cô là một luật sư, một người hướng nội điển hình đã thành công trong cuộc sống và công việc. Susan tìm hiểu về tâm lý của người hướng nội xuất phát từ câu chuyện của chính bản thân mình. Vậy mới thấy giá trị của kỹ năng nghiên cứu khoa học. Đọc rất nhiều, tổng hợp, phân tích, so sánh, và tư duy hùng biện.

Trong Phần 1 và nửa đầu phần 2, dù là một người hướng nội, mình cảm thấy Susan có vẻ bênh vực người hướng nội khi cô liên tục đưa ra các ví dụ về những người hướng nội đã đóng góp cho lịch sử, những bộ óc sáng tạo nhất, những cống hiến thầm lặng nhất. Hoặc có thể do mình sợ “too good to be true” nên không dám tin.

Tuy nhiên sau đó trở đi, càng đọc mình càng khâm phục kĩ năng nghiên cứu và trình bày của Susan. Susan không chỉ chạm đến gần như tất cả các khía cạnh của tính hướng nội, mà còn đưa ra các trích dẫn, phân tích, và bình luận về các nghiên cứu trực tiếp liên quan từng luận điểm một cách rất chặt chẽ, hợp lý, và dễ theo dõi. Và tất nhiên, tính hướng ngoại hay người hướng ngoại cũng được phân tích để so sánh và thấu hiểu về sự khác biệt giữa người hướng nội với phần còn lại.

Thành công nhất của cuốn sách

Quiet đã làm choáng ngợp độc giả thế giới. Sự thành công của cuốn sách có lẽ vì nó được viết bởi chính một người hướng nội điển hình trên con đường tìm hiểu chính mình. Nếu như độc giả tìm đến một cuốn sách self-help, thường họ sẽ nhận được các tips và tricks để đạt tới thành công trong một việc nào đó (ví dụ như độc giả của Đắc Nhân Tâm), độc giả của Quiet được nhiều hơn thế nữa. Người hướng nội vốn dễ nhạy cảm nên họ chắc chắn cảm thấy mãn nguyện khi được thấu hiểu, được đồng cảm, và được khai sáng bởi Quiet. Susan cho chúng ta thấy cách viết, cách nhìn, cách hiểu, và cách sống của một người trong cuộc, một người đã và đang ở đó. Kể cả những ví dụ Susan kể về chính bản thân mình, tất cả đều rất thực tế và thuyết phục. Bất cứ người nào có tính hướng nội nổi trội đều có thể thấy mình trong đó.

Và những người “ngoài cuộc” sẽ thấy như được mở mắt, được nhìn vào bên trong thế giới nội tâm của một người hướng nội “ồ, hóa ra vậy.”

Nói lên tiếng lòng của người trong cuộc, có được sự đồng cảm của họ, không xúc phạm mà có được sự ngưỡng mộ và tôn trọng của người ngoài cuộc. Thật không có gì ngạc nhiên khi cuốn sách này đã được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ khác nhau và bán hơn 3 triệu bản trên toàn thế giới, đưa – Susan Cain từ một Luật sư – một kẻ tay ngang – thành một trong những người được nhắc đến nhiều nhất trong Tâm lý học về tính hướng nội.

Nội dung sách

Người hướng nội hoặc người mang tính hướng nội nổi trội sẽ tìm thấy mình trong rất nhiều nghiên cứu và tình huống ví dụ trong sách. Cá nhân mình đã “vỡ” ra được rất nhiều trải nghiệm mà trước đây mình chưa từng để ý hoặc chưa giải thích được. Nếu như trước khi đọc cuốn này, đã có lúc mình phân vân liệu mình có phải là một người hướng nội thuần túy (introvert) hay là vừa hướng nội vừa hướng ngoại (ambivert), giờ mình đã có câu trả lời.

Chuyện kể về một người mẹ trẻ ở tuổi hai mươi mấy đã có 2 con nhỏ. Vào một buổi trưa mùa đông lạnh khi người mẹ đang nấu ăn, đứa lớn chơi loanh quanh trong phòng ngủ với đứa em. Mọi việc cứ như thế nhịp sống vẫn chảy ở một miền quê nghèo những năm vừa xóa chế độ bao cấp. Sau một hồi loay hoay trong bếp, rồi người mẹ nghe tiếng khóc ré lên của đứa bé nên vội vàng quay trở lại phòng ngủ. Đứa lớn tay cầm hộp dầu con hổ, tay còn lại đang chuẩn bị bôi dầu vào mắt đứa em. Vội vàng ngăn lại, người mẹ mới thấy dầu đã bôi khắp khuôn mặt đứa bé từ trước đó. Đứa lớn lúc đó 3 tuổi nói chưa rõ chữ mới trả lời rằng nhỏ bắt chước mẹ bôi dầu cho em khỏi ốm. Ở Việt Nam, dầu con hổ là “thần dược” mà gia đình nào cũng có một hộp để phòng khi trời trở lạnh, bôi một chút dầu vào thái dương, và lòng bàn tay và lòng bàn chân để giữ ấm. Bôi quá nhiều dầu vào một điểm sẽ rất nóng, và có thể gây bỏng.

Đứa bé 3 tháng tuổi trơ trơ phải đến lúc dầu bôi khắp mặt rồi mới khóc ré lên vì nóng đó chính là mình. Trước đây chưa từng kể chuyện này cho ai vì mình nghĩ chỉ có những đứa trẻ khờ mới phản ứng chậm chạp một cách kì cục như vậy.

Đã rất nhiều lần mình phải gập sách lại, nhắm mắt, hít thở sâu và soi chiếu lại những câu chuyện của mình như thế. Rất nhiều điều đã sáng tỏ. Đúng, rất nhiều điều đã sáng tỏ. Nếu đọc sách là một trong những cách mình tiến lên trên hành trình tìm hiểu bản thân, cuốn sách này là một bước nhảy xa, bằng rất nhiều bước đi trước đó. Mình rất vui vì đã lựa chọn Susan Cain. Tiếp theo sẽ là cuốn Quiet Power: The Secret Strengths of Introverts và bài Ted talk của cô.

Vậy bạn có thể mong đợi gì?

  • Tại sao nhiều người hướng nội có những đóng góp lớn nhưng gần như luôn ẩn mình khi đa số mọi người sẽ bị thu hút bởi những người có sức lan tỏa (khả năng cao đó là người hướng ngoại.)
  • Từ đâu và tại sao hình mẫu hướng ngoại lại được đa số cộng đồng yêu thích và vinh danh. Điều đó vô hình trung đã tạo áp lực và khiến những người hướng nội chật vật để tồn tại như thế nào.
  • Những điều ảnh hưởng đến tính hướng nội của một người: do bẩm sinh, do di truyền, do giáo dục, do môi trường, do văn hóa và do đâu.
  • Làm thế nào để tồn tại và sống tốt như một người hướng nội. Đâu là giới hạn chịu đựng của một người. Đâu là cách để khai thác sức mạnh tiềm ẩn của mỗi cá nhân hướng nội.

Một điều nữa, đừng nhầm lẫn việc ngại ngùng ít nói (shyness) với tính hướng nội. Cũng đừng vội kết luận người hướng nội giỏi hơn người hướng ngoại. Có rất nhiều người hướng ngoại xuất sắc. Mục đích của cuốn sách là giúp chúng ta hiểu thêm về người hướng nội, một phần ba của thế giới mà trước giờ ít ai để ý hay trân trọng.

Chúc bạn có thời gian đọc sách bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi blog của mình nhé!

Advertisement

2 thoughts on “Quiet – những người hướng nội thầm lặng

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s