Sapiens – Lược sử loài người hay Sự thông thái của Yuval Noah Harari

Tên sách: Sapiens: A Brief History of Humankind

ISBN: 9780099590088

Sau 1 tháng rưỡi mình cũng đọc xong cuốn sách “kinh khủng” này. Và ấn tượng đầu tiên cũng như ở những dòng cuối cùng là sự thông thái của tác giả Harari. Mình không chắc dùng từ “thông thái” ở đây có bị gọi là mù quáng hay không, nhưng mình tin rằng các bạn hãy cứ đọc sách rồi sẽ hiểu.

Về cảm nhận chung

Tựa đề của bản dịch phổ biến nhất sang tiếng Việt là “Lược sử Loài người.” Mình nghĩ đây là một tiêu đề khá ổn. Sách không đưa ra nội dung quá chi tiết nhưng một bối cảnh toàn diện của Lịch sử loài người được mô tả rất rõ ràng và dễ theo dõi. Toàn diện không chỉ vì nó thể hiện lịch sử của các lục địa, quốc gia và vũng lãnh thổ, mà còn đề cập đến rất nhiều phương diện từ lịch sử kinh tế, lịch sử chính trị, đến lịch sử tiến hóa của loài người. Không chỉ lịch sử trăm năm, nghìn năm, tiến trình lịch sử từ hàng triệu năm đến hàng trăm thiên niên kỷ trước cũng được phân tích. Khủng hoang hơn nữa là không chỉ đề cập trên bề mặt tổng quát, Harari phân tích khách quan từng giai đoạn lịch sử bằng các mối liên kết chặt chẽ, vẫn dễ hiểu và nhiều khi còn rất thú vị. Khi người đọc đa số chỉ có chút kiến thức lịch sử của cá nhân đất nước của họ, Sapiens xứng đáng được dịch ra tất cả các ngôn ngữ có thể và đưa vào giáo trình giảng dạy Lịch sử thế giới phổ cập cho nhiều thế hệ.

 Về tác giả

Yuval Noah Harari là người Isarel, nhà sử học, Giáo sư giảng dạy bộ môn Lịch sử ở Hebrew University of Jerusalem. Nghe qua có vẻ thấy khiêm tốn vậy thôi, các bạn có thể google để biết thêm về academic background của Giáo sư này. Rõ ràng với chuyên môn về Lịch sử thế giới, hoàn toàn dễ hiểu khi Harari có kiến thức về Lịch sử loài người và viết cuốn Sapiens. Mình không biết mất bao nhiêu lâu để nghiên cứu và bao nhiêu kiến thức để viết được sách về lịch sử trong khi thế giới có rất nhiều nhà sử học xuất chúng. (Mà nhiều khi các bác chỉ có giảng dạy rồi nghiên cứu, nghiên cứu rồi giảng dạy thôi) Nhưng mình vẫn tin rằng không phải nhà sử học nào cũng làm được. Đó là viết cuốn Sapiens này.

Về nội dung sách

Như có nhắc đến ở phần trên, ít nhiều bạn cũng có thể hình dung được sách viết về gì. Một nhà sử học đã làm gì để viết nên được một cuốn sách làm “sốc” cả thế giới như vậy? Bạn có thể google để biết bạn đọc thế giới đã mắt chữ O mồm chữ A như thế nào khi lần đầu đọc Sapiens. Nội dung chính của sách được chia làm 4 phần, trong đó 3 phần kể về 3 cuộc cách mạng lớn nhất của lịch sử loài người và phần còn lại kể về sự thống nhất của loài người trên thế giới. Các cuộc cách mạng lớn nhất đó là Cách mạng Nhận thức, Cách mạng Nông nghiệp (tiền đề cho Cách mạng Công nghiệp) và Cách mạng Khoa học.

Ở Cách mạng Nhận thức, bạn sẽ biết được trái đất xưa kia không chỉ có một loài người, điều gì đã xảy ra khiến chỉ có một loài người còn tồn tại cho đến cuối cùng (tức là tổ tiên của chúng ta hôm nay), loài người đó đã sống như thế nào, ở đâu, và thay đổi nhận thức như thế nào khiến họ “đánh bại” tất cả những loài người khác, và cả thế giới động vật còn lại?

Phần Cách mạng Nông nghiệp không chỉ nói về những phát hiện đầu tiên về nông nghiệp, nó còn mô tả sự hình thành của các đế chế trên khắp thế giới và chính Cách mạng Nông nghiệp đã làm tiền đề cho Cách mạng Công nghiệp như thế nào. Theo phân tích của tác giả, cuộc Cách mạng Công nghiệp thực ra là một kết quả tất yếu của Cách mạng Nông nghiệp và chỉ diễn ra trong mấy trăm năm, quá ngắn so với hàng nghìn năm nông nghiệp trước đó. Điều gì đã xảy ra?

Khi thế giới còn phân tách và rải rác ở khắp các lục địa như vậy, ai hay cái gì đã kết nối loài người ở trên khắp thế giới với nhau, và kết nối bằng cách gì. Một trong những điều thúc đẩy kết nối này là sự ra đời của đồng tiền, công cụ trao đổi hiệu quả nhất. Và còn gì nữa?

Cuối cùng và gần đây nhất là cuộc Cách mạng Khoa học, điều mà mới chỉ bắt đầu xảy ra trong vài trăm năm trở lại đây. Loài người đã thành công phát triển y tế, xóa bỏ chiến tranh (trên hầu hết mọi quốc gia), vượt qua nạn đói (chết đói vì thiếu ăn) và kiểm soát bệnh dịch như thế nào. Tại sao nói cuộc Cách mạng Khoa học này là vô tận? Điều gì đang chờ đợi chúng ta ở phía trước?

Trong mỗi phần trên, Harari cho người đọc thấy một nền tảng kiến thức đáng ngưỡng mộ từ lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo đến khoa học. Tất cả mọi khía cạnh quan trọng nhất trong sự phát triển của loài người đều được phân tích trong mối liên hệ logic chặt chẽ với nhau. Ai có thể đoán được một nhà sử học lại thông thạo kiến thức kinh tế, các lý thuyết triết học,… và cả khoa học AI? Có thể những bộ óc này quá đam mê và vượt trội về nghiên cứu khoa học. Rõ ràng Harari không phải là chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực, nhưng khả năng liên kết các kiến thức, đặt ra những giả thuyết chưa ai dám nghĩ tới, và đưa ra những câu hỏi chưa ai từng thắc mắc chắc chỉ có Harari.

Nhiều người có thể nói rằng những kiến thức tổng quát thì ai cũng có thể học được. Nhưng nếu không có sự hiểu biết về bản chất của hiện tượng, chắc chắn sẽ không thể liên kết tất cả những kiến thức đấy với nhau như Harari đã làm.

Nếu như lịch sử Việt Nam trong đầu mình là một không gian 2D với 2 trục X và Y. Trong đó Y là các mốc lịch sử và X là các mốc thời gian. Bạn có thể tưởng tượng một không gian 3 chiều. Trục tung Y là sự phát triển về mặt sinh học và thể chất nói chung, trí tuệ và nhận thức nói riêng, của loài người. Trục hoành X là thời gian. Điểm O là hiện tại.

Bây giờ bạn bắt đầu thêm vào trục Z là sự phát triển của nông nghiệp và công nghiệp. Đừng quên phía bên trái trục X là thời gian từ những triệu năm về trước. Tiếp tục là sự phát triển về khoa học, tạm gọi là trục AA. Ngoài ra còn lịch sử chinh phạt, thống trị, giành và trả độc lập, thống nhất lãnh thổ, vân vân của tất cả các châu lục; sự hình thành và phát triển của tôn giáo; v.v..v Cứ như vậy mỗi lĩnh vực, bạn gắn vào một trục. Bạn sẽ có một không gian đa chiều với hàng chục trục khác nhau.

Giờ câu chuyện đã khác. Đó không còn là hình 2D hay 3D, chúng ta thấy một không gian đa chiều mà nếu nối tất cả các điểm xa nhất của mỗi trục lại ta sẽ có một hình cầu. Một hình cầu. So với mặt phẳng 2D với 2 trục X và Y trong đầu mình. Hi vọng hình ảnh này có thể giúp các bạn hình dung ra khối lượng kiến thức phía sau 460 trang sách này. Nói đúng hơn, phải là người như thế nào mới gói gọn tất cả trong 460 trang sách thế chứ? Phải là Yuval Noah Harari.

Trước khi đọc sách, mình có để ý bìa sách ghi phần cảm nghĩ của Bill Gates và Obama, mình nghĩ không biết mấy bác có “chém gió” không. Đọc sách rồi mới hiểu cái gì cũng có lý do của nó. Còn nếu bạn đọc sách xong mà cũng thấy bình thường thì có thể bạn là một nhà sử học, nhà thông thái nào đó cũng có kiến thức tương tự, hoặc bạn chưa hiểu sách viết gì.

Cảm nhận khác

Ngoài tất cả những điều trên, mình khá ấn tượng với ngôn ngữ tiếng Anh trong sách. Cuốn mà mình đọc là sách tiếng Anh. Bản gốc viết bằng tiếng Hebrew, nên mình có chút phân vân liệu ai đã dịch cuốn sách khủng hoang này sang tiếng Anh. Không có cấu trúc ngữ pháp lắt léo hay từ vựng học thuật phức tạp, Sapiens được viết với tiếng Anh rất dễ theo dõi. Với góc nhìn của một người đã và đang học tiếng Anh cả đời này, mình có thể học được rất nhiều cách diễn đạt thú vị và hiệu quả. Không hề sáo rỗng, cách viết trong sách vừa đủ cuốn hút người đọc, vừa dễ hiểu để “bắt chước” đối với những người đang học.

Tổng kết

Đọc xong cuốn sách này mới lại thấy mình thật quá nhỏ bé. Mình chỉ là một hạt cát bé xíu giữa biển trời mênh mông. Nhiều lúc mình mơ mộng đến những việc lớn lao mà quên mất nhìn vào thực tại… Sapiens khiến mình thấy mình không cô đơn, suy nghĩ những chuyện đâu đâu là cũng có lý do… Tóm tắt, mình rất recommend sách này đối với những bạn sau.

  • Đang gặp existential crisis, quarter life crisis, identity crisis
  • Hứng thú với lịch sử, kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn hóa, và khoa học
  • Thích học tiếng Anh từ sách

Ngoài ra, nếu có một tư tưởng mới nào đó trong Bộ giáo dục và đào tạo, mình xin mạo muội đề xuất cuốn sách này vào giáo trình lịch sử. Hãy để các em học sinh được tiếp xúc với những kiến thức tổng quát khách quan, thú vị và có ích như thế này. Một cuốn sách nước ngoài khó có thể trở thành một môn học, vậy tại sao không mua bản quyền ebook và yêu cầu học sinh đọc theo từng chương, từng phần, viết bài thu hoạch/cảm nghĩ? Theo mình đó mới là cách học hiệu quả chứ không phải mô hình lịch sử 2D như mình nói ở trên.

Vừa đọc xong cuốn Sapiens, này mình đã nhảy sang cuốn Homo Deus (nối tiếp Sapiens). Cuốn 21 Lessons for the 21st Century thì đang nằm chờ trên giá sách. Mình sẽ đọc bằng hết 3 cuốn này của cùng tác giả Sử gia thông thái Yuval Noah Harari. Có thể sau này khi nhìn lại, mình sẽ không thấy Sapiens xuất sắc như lúc này. Nhưng lý do chỉ có thể là vì mình đã quên mất mình trước và sau khi đọc Sapiens là hai người khác nhau:)

Advertisement

2 thoughts on “Sapiens – Lược sử loài người hay Sự thông thái của Yuval Noah Harari

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s