Truyện dân gian… tiếc không Dã Tràng?

Chủ đề hình như hơi lạ nhưng không sao. Mình đã trăn trở muốn viết về chủ đề này từ cả tháng nay rồi.

Hồi đó hình như còn đang học cấp 2, mình có mượn được một cuốn truyện dân gian từ chú mình. Trong đầu giờ này vẫn còn nhớ cuốn truyện dày khoảng 400 trang, bìa màu xanh thẫm có hình hai người mặc áo tứ thân, sách chưa cũ nhưng đọc nhiều lần nên cũng đã sờn. Một cuốn sách 400 trang lúc đó giống như một “kho tàng” mà cứ ít hôm mình lại đọc thêm được một chút. Đọc kiểu “của để dành” thích lắm. Sau đó mình không có cơ hội được đọc hết nhưng vẫn còn nhớ rất nhiều mẩu truyện dân gian trong đó.

Thời gian sau, mỗi lần đi mua sách cũ, mình cũng tranh thủ tìm đọc trộm mấy cuốn sách truyện, nhiều nhất có lẽ truyện về Trạng. Sau đó vài năm mới mua được hẳn hoi. Sách truyện lúc đó ít và có lẽ vì thế nên quý lắm, hay là mình ít có nên mình quý nó lắm. Khi mình lớn lên, truyện Trạng được tổng hợp và tái bản nhiều lần nhưng họ thường chắp vá và in hình minh họa bắt mắt. Mình chỉ thích những cuốn truyện dân gian nhiều chữ như cuốn đầu tiên mình được đọc. Rồi người ta làm truyện tranh về Trạng, cũng là một cách hay để thu hút độc giả nhỏ tuổi. Dần dà cách trình bày nhí nhố vui tươi lấn át đi tính dân dã và châm biếm của truyện dân gian. Vậy nhiều người lớn tuổi mới cho rằng truyện tranh của trẻ em là đa phần nhảm nhí…

Không bàn thêm về chuyện người. Quay lại chuyện mình, khi lớn lên rồi mình mới nhận ra truyện dân gian thực sự đóng một vai trò định hình nhận thức và thói quen châm biếm của mình. Xa hơn một chút, châm biếm cũng là một biểu hiện của tư duy phản biện. Sau đó có báo Tuổi trẻ Cười, và không thể thiếu sự châm biếm ngay trong các cuộc hội thoại hàng ngày của gia đình. Có lẽ mình đã lớn lên “bitchy” như vậy đó.

Những năm gần đây mình toàn chạy theo sách tiếng nước ngoài. Có lẽ đã gần chục năm chưa đọc lại truyện dân gian. Vừa thử google tìm từ khóa “truyện dân gian” mà thấy mông lung quá. Có lẽ mình cần nói chi tiết hơn về truyện cười dân gian. Truyện dân gian có nhiều thể loại như truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười… Vậy nói chính xác hơn truyện dân gian mình đã đọc và thích đọc là truyện cười dân gian. Xin trích đoạn một trong những câu chuyện cười dân gian mình nhớ nhất và thích nhất với các bạn.

Có một anh chàng đẹp trai, lanh lợi, nhưng bị tật thong manh từ thuở nhỏ […]

Một hôm nghe nói có một đám hát ở một làng nọ, vui bạn, anh theo nhóm trai làng đi xem. Đêm tối, người đông chen chúc, mỗi người tìm ngồi một nơi, nên lúc về họ lục tục mỗi người đi một đàng, bỏ quên anh lại. Anh phải nằm đó đợi sáng, nhưng lúc về vì không thấy rõ đường, anh cứ đi liều. Cuối cùng bị lạc, anh lọt vào một nhà nọ.

Nhà này đang sẵn có cuộc vui. Thấy chàng trai lạ đến, họ mời anh vào dự. Anh không từ chối, đi theo người dẫn vào ngồi phía tận cùng. Đến lúc mãn cuộc anh phải sờ vào vách để tìm cửa ra. Chủ nhân thấy thế, bèn hỏi “Anh làm gì đấy?”. Anh nhanh miệng đáp “Dạ, cháu đo xem chiều dài nhà này có bằng nhà bố mẹ cháu chăng”. “Thế bên nào rộng hơn?”. “Dạ, cũng suýt soát như nhau!”. Chủ nhân cho rằng nhà anh này cũng thuộc loại khá giả như mình.

Khi đã tìm được cửa ra, anh vội cáo từ chủ nhân để về, nhưng chủ nhân cố lưu anh lại ăn cơm. Đói bụng, anh từ chối lấy lệ rồi cũng ngồi vào mâm. Trước mặt anh là đĩa rau, nên anh cứ gắp mãi vào món ấy. Chủ nhân bảo “Kìa thịt cá đây sao không ăn, lại cứ gắp rau mãi?”. Anh đáp “Nhà cháu rau dưa quen thói, chứ không phải làm khách đâu ạ!”. Chủ nhân cho anh là con nhà cần kiệm nết na. Ăn xong bước ra hè anh vấp phải cái cào, cán cào va nào đầu đau điếng bèn ngồi lại nhặt cào, sẵn sờ thấy cái vồ bên cạnh, anh cầm lấy gõ vào đầu cán cào mấy cái cho hả giận. Chủ nhân thấy vậy, hỏi: – “Anh làm gì đấy?” […]

Tên truyện là “Chàng rể thong manh” các bạn có thể tìm trên mạng để đọc tiếp nhé. “thong manh” nghĩa là suy giảm thị lực, chứ không phải viết trại đi của từ “thông minh” nhưng chàng rể này cũng là người nhanh trí. Đọc tiếp mới thích cách kể chuyện dân dã mà thú vị.

Ngoài truyện cười dân gian, truyện cổ tích và sự tích cũng là một đam mê. Đọc mới thấy người xưa thực sự rất sáng tạo. Và như Harari nói, loài người kể chuyện. Mình vẫn còn nhớ lúc nhỏ bố mẹ đi hiệu sách về ngoài tuyển tập thơ, bố mẹ hay mua truyện cổ tích dân gian: sự tích Dã Tràng, sự tích cây Nêu, v.v…v Hình ảnh “Dã Tràng xe cát biển Đông; nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”, hình ảnh con thuồng luồng, hình ảnh người lái buôn thông minh nấu chảy vàng, hình ảnh chú Vịt trả ơn gia đình nhà Tép,… Khi viết những dòng này rất nhiều hình ảnh vẫn còn sống động trước mắt y như trong những trang sách mình đã đọc. Nhắc lại mới thấy nhớ quá… cảm giác đọc những cuốn sách truyện cười dân gian và các sự tích. Có lẽ phải lên mạng tìm mua sách truyện dân gian về đọc tiếp thôi.

Nếu bạn nào đọc các tác phẩm văn học trào phúng, có thể bạn sẽ thích truyện cười dân gian. Bạn nào thích tìm hiểu văn hóa lịch sử, có thể bạn sẽ thích truyện cổ tích và sự tích.

Nếu bạn chưa biết, đọc thử xem.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s