Ai trong chúng ta không phải là người trong cuộc, người trong câu chuyện của chính mình.
Trân trọng cả người trong cuộc và ngoài cuộc
Nhắc đến người trong cuộc, chắc ai cũng từng được nghe hoặc nhắc nhở người ngoài cuộc đặt bản thân họ vào vị trí của ai đó. Có bao giờ bạn nói với ai đó rằng họ phải là người trong cuộc mới hiểu được cảm giác của bạn. Đó chẳng phải là điều hiển nhiên hay sao? Dù bạn có nhiều kinh nghiệm, thấu hiểu hay tường tận câu chuyện, hay chính bạn đã trải qua tình cảnh tương tự, chỉ có bản thân người trải qua câu chuyện đó mới hiểu cảm giác của chính họ trong đó. Cùng một câu chuyện nhưng trải nghiệm của mỗi người trong cuộc là khác nhau. Có quá nhiều yếu tố đến từ bên ngoài ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, nên việc mỗi người có cách tiếp nhận câu chuyện khác nhau là điều hoàn toàn tự nhiên.
Nếu như chúng ta đã dành thời gian để lắng nghe, cảm thông, và muốn chia sẻ với người nói, tại sao vẫn có người nói những lời như “bạn không hiểu đâu, bạn không phải là tôi bạn không hiểu được đâu.” Nghiên cứu cho thấy thời gian chúng ta ở bên cha mẹ, anh chị em, và bạn bè càng ngày càng giảm đi sau độ tuổi 20. Thời gian bên cạnh con cái sẽ giảm đi sau độ tuổi 40 và thời gian với bạn đời giảm dần sau độ tuổi 60. Chỉ có thời gian ở một mình sẽ tăng dần từ độ tuổi 20. Chúng ta sinh ra và chết đi vốn không phải vẫn chỉ một mình hay sao. Thời gian của ai cũng có hạn trong khi có những người sẵn sàng dành thời gian của họ để ngồi lại lắng nghe bạn nói về bản thân bạn, về câu chuyện của chính bạn, vậy tại sao còn phũ phàng nói “bạn không phải là tôi nên bạn không hiểu đâu.” Thật quá đáng tiếc khi cứ phải lãng phí thời gian nhắc lại điều hiển nhiên đó mà quên mất thời gian được người khác lắng nghe mình giãi bày vốn nên là điều đáng được trân trọng nhất.
Nhận ra câu chuyện của mình thay đổi
Thời gian gần đây mình bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu tuổi tác khi khả năng phục hồi và sức đề kháng của cơ thể không còn được như lúc trước. Lão hóa đã đến nơi. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc mình nhận ra thời gian dành cho cha mẹ thực sự không còn nhiều nữa. Cha mẹ mình đã già đi rất nhiều và sẽ tiếp tục già đi khi mình không có ở bên.
Mình cũng bắt đầu già đi và bắt đầu thực hiện những trách nhiệm mà trước đó tuổi trẻ chưa bao giờ mình đắn đo như bây giờ. Nếu như lúc vừa hết học, mình có thể vô tư đi đây đó khám phá, vô tư ăn uống và trải nghiệm mà không mấy lo lắng đến thời gian hay sức khỏe, mình bây giờ phải chậm lại một chút. Kì thực không chậm lại cũng không được. Mình không có đủ thời gian, sức khỏe và nhiệt huyết để xông pha như lúc trước. Mình bắt đầu dành thời gian suy nghĩ về những trách nhiệm của một người con, người làm cha mẹ, người làm anh chị em, người trưởng thành!
Những trách nhiệm này sẽ cần nhiều thời gian, công sức, và năng lực. Sẽ có những lúc cha mẹ ốm đau cần được chăm sóc. Sẽ có những lúc anh chị em khó khăn cần được hỗ trợ. Sẽ có những công việc trong gia đình và họ hàng mình cần đứng ra thực hiện. Sẽ có những thử thách trong việc xây dựng một gia đình mới cho riêng mình… Tất cả những điều đó dường như chỉ xuất hiện khi mình bắt đầu ý thức được rằng mình đang già đi và đến lúc gánh vác những điều đó…
Đó là điều chúng ta làm và chúng ta cứ thế làm thôi
Mình có thể bắt đầu những trách nhiệm này chậm hơn nhưng không bao giờ có thể né tránh và cũng sẽ không bao giờ làm như thế. Sẽ không có gì nặng nề khi chúng ta hiểu đúng trách nhiệm. Khi cha mẹ già đi, mình là người con, mình chăm sóc và bảo vệ. Khi có con cái, mình là người cha mẹ, mình nuôi dưỡng và chăm sóc. Khi anh chị em gặp khó khăn, mình hỗ trợ…
Mình không biết dùng từ “trách nhiệm” hay “gánh vác” có làm cho bạn đọc hiểu đúng ý mình muốn nói hay không. Nhưng những điều trên là những điều chúng ta đều làm. Có lẽ không cần phải nói chúng ta cần, nên, muốn, hay phải làm. Chỉ là chúng ta làm những điều đó một cách hiển nhiên. Chúng ta chăm sóc bố mẹ. Chúng ta hỗ trợ anh chị em. Chúng ta sống có trách nhiệm với chính bản thân mình.
Cái khó của người trưởng thành khi thời gian đến
Có lẽ cảm giác người trong cuộc ở đây là khi mình nhận ra đâu là thời điểm mình bắt đầu làm những điều đó. Mình bắt đầu nhận ra đâu là lúc thay vì ngủ thêm một chút vào cuối tuần, mình sẽ dậy sớm hơn để lau dọn nhà cửa. Thay vì nhắn tin, mình sẽ gọi điện thoại video với cha mẹ. Thay vì đến nhà người quen với tay không, mình sẽ mang một chút quà. Thay vì tuần nào cũng hẹn bạn bè cà phê, mình sẽ gặp nhau vài tháng một lần. Thay vì mua quần áo mới, mình sẽ ăn một bữa ngon thật ngon…
Cảm giác của người trong cuộc là khi mình nghĩ lại trước đây mình đâu có suy nghĩ nhiều như bây giờ. Lúc mới bắt đầu đi làm, mình chỉ nghĩ làm việc và thoát nghèo. Bây giờ mình nghĩ gia đình cần mình, mình cần làm việc, mình cần tập luyện, mình cần duy trì các mối quan hệ thân thiết, mình cần biết ơn… và mình muốn nuôi chó mèo. Có lẽ một chút tham lam nhưng câu chuyện của mình mà, đâu có gì sai khi mong muốn bản thân có nhiều năng lực hơn một chút.
Khi thời gian đến, câu chuyện của chính bản thân mình đã chuyển sang trang mới, mình bước vào câu chuyện mới. Giờ mới là lúc cảm giác người trong cuộc bắt đầu. Thực ra không hẳn thế, chỉ là lúc con người mình lúc trẻ hơn chưa đọc nhiều trang cuộc đời mình bằng bây giờ. Còn hiện tại mình đã trải qua nhiều chương trước đó, có thể nghiệm lại lúc trước và bỏi vậy ý thức được cảm giác người trong cuộc ở hiện tại rõ ràng hơn trước đó rất nhiều.
Người trong cuộc ơi vững vàng lên
Cảm giác người trong cuộc nó thật sự thấm thía khi mình bắt đầu nhận ra có những lúc việc mình cần làm vượt quá khả năng của bản thân… Mình bắt đầu nản và chỉ làm những điều dễ dàng hơn. Mình vẫn nghĩ về bản thân ở tuổi 40 với thể hình khỏe mạnh và nhanh nhẹn, nhưng mình hiện tại không chịu tập luyện thường xuyên. Suy cho cùng có lẽ là thiếu kỷ luật với bản thân. Người ta nói đâu có sai, đừng trưởng thành, bẫy đấy! 🙂
Nói vui một chút thôi. Chỉ mong ai trong chúng ta cũng hiểu được rằng câu chuyện cuộc đời của chính mình cũng có nhiều chương khác nhau. Khi bước sang chương mới, khi chúng ta sẽ làm những việc khác với trước kia và cần chấp nhận từ bỏ một số điều bởi thời gian và năng lực của mỗi người là có hạn. Nếu ai cũng hiểu được rằng mỗi người đều có câu chuyện riêng của họ và biết đâu họ đang ở một chương khó nhằn thì sao. Chi bằng cứ tập trung vào hiện tại câu chuyện của chính cuộc đời mình nhỉ.