Sứ mệnh của một người 

Bài viết là quan điểm cá nhân và có thể không phù hợp với những người ủng hộ ý tưởng phát triển kinh tế.

Lắm khi mệt mỏi với cuộc sống thường ngày, mình lại tìm đến những lúc yên tĩnh để suy nghĩ. Kì thực có thời gian yên tĩnh suy nghĩ là một cách để mình thư giãn vì hàng ngày nhiều việc nhiều người xung quanh khiến mình khó tập trung được.

Giữa những lúc mỏi mệt với cuộc sống vì tất cả những điều xung quanh này, mình băn khoăn vậy rốt cuộc mình sống để làm gì. Mình nghĩ đến sứ mệnh của một người. Liệu có sứ mệnh của một người hay không và nếu có thì đó là gì?

Sứ mệnh là gì

Sứ mệnh là mục đích và lý do để một chủ thể tồn tại. Chủ thể ở đây có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Các bạn làm công ăn lương như mình có thể sẽ thấy “sứ mệnh” của công ty và tổ chức nơi bạn làm việc. Nó luôn đi cùng với những khái niệm khác như “giá trị cốt lõi” và “tầm nhìn”. Với một cá nhân bình thường, chúng ta có thể bắt gặp “sứ mệnh” trong các TVC quảng cáo về sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Từ trước tới giờ, chưa có ai từng hỏi mình “sứ mệnh của bạn là gì?” và cũng hiếm thấy một diễn đàn nào đó nói đến sứ mệnh của một người. Phải chăng là ai đó đọc sách hoặc tiếp cận các hình thức giải trí mới nghe đến hay nghĩ đến nó?

Cũng là ý kiến cá nhân của mình thôi, nhưng có lẽ nhiều người quan tâm đến việc làm sao sống một đời hạnh phúc, sung túc, thành đạt hơn là sống để làm gì. Suy nghĩ đến sứ mệnh của cá nhân là đặt câu hỏi mình sống để làm gì. Liệu có sứ mệnh của cá nhân không? Hay là chúng ta cứ thế tìm kiếm hạnh phúc, sung túc và thành công thôi. Đó chính là sứ mệnh của chúng ta rồi?

Sự tồn tại của chúng ta

Nói xa hơn một chút, sự xuất hiện của loài người trên Trái Đất và sự tồn tại của chúng ta đang ngày càng phát triển về cả số lượng và chất lượng. Sách vở và kiến thức cho chúng ta biết được sự tiến hoá và phát triển của nhân loại. Ai trong chúng ta cũng nói đến phát triển từ phát triển con người đến phát triển kinh tế để làm cho cuộc sống con người ngày một tiện nghi và sung túc hơn. Những phát minh sáng chế mang lại tiện nghi và sự thoải mái cho con người, những cải tiến giúp cải thiện năng suất lao động, tăng cường tự động hoá, v.v..v. Thế rồi có một nhóm người khác nói đến những điều như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, và Net Zero (theo Tổ chức Liên Hiệp Quốc UN, nói một cách đơn giản, net zero là giảm thiểu khí thải nhà kính xuống mức càng về không nhiều nhất có thể. Bản gốc “Put simply, net zero means cutting greenhouse gas emissions to as close to zero as possible”). 

Một trong những thông điệp về môi trường ấn tượng nhất với mình là “Trái Đất này KHÔNG phải là của chúng mình.” Nó làm mình nhớ đến bài hát tuổi thơ “Trái Đất này là của chúng mình, quả bóng xanh bay giữa trời xanh…” Nhưng thôi đúng quá rồi. Sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của loài người càng ngày càng tiêu tốn thêm các tài nguyên trên Trái Đất và đồng thời phát thải ra các loại rác thải trên khắp Trái Đất. Chúng ta đang tiêu thụ Trái Đất cho sự tồn tại và phát triển của mình. Chưa bao giờ những bộ phim khoa học viễn tưởng nói về viễn cảnh Trái Đất khi trở thành một nơi cạn kiệt tài nguyên và không thể chứa đựng sự sống được nữa lại cảm thấy hoàn toàn có thể xảy ra như bây giờ.

 

Sự phát triển – Phát triển là gì?

Trên công cuộc tìm kiếm hạnh phúc, sự sung túc và thành đạt của nhiều người, và có lẽ cũng là hành trình thực hiện “sứ mệnh” của họ, người ta mang đến nhiều ý tưởng mới làm cho cuộc sống loài người ngày một tiện nghi, thoải mái, và sung túc hơn. Họ gọi đó là mang lại giá trị. Họ gọi đó là sự phát triển. Ví dụ như việc nâng cao năng suất lao động, tự động hoá sản xuất, nâng cao dân trí, cải thiện hạ tầng giao thông, trồng cây gây rừng, cải tạo nguồn nước, tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh tế, v.v..v. Tất cả những điều này đều rất tốt đẹp phải không? Rất tốt. Chúng giúp loài người tiến bộ văn minh hơn và đời sống của họ cũng ngày một chất lượng hơn. Vậy ý của bạn là gì? Suy cho cùng, 8 tỉ người (và đang tiếp tục tăng) trên Trái Đất này xoay qua quần lại được sinh ra, lớn lên, sinh sản rồi chết đi. Toàn bộ quá trình đó chúng ta không ngừng tiêu thụ Trái Đất và thải rác. Chúng ta hít thở, ăn uống và mặc quần áo thôi đã tiêu thụ không khí, đất, nước, và cây cối. Loài người giống những chiếc máy tiêu thụ Trái Đất theo cách đó để rồi thải ra rác thải từ rác sinh hoạt hàng ngày, đến khói bụi từ nhà máy và xe cộ, và nhựa thải ra môi trường. Có bao giờ chúng ta thử “hay là mình không phát triển kinh tế nữa, hãy cùng nhau phát triển bền vững nhé!”

Phát triển con người hay phát triển kinh tế đều nhắm đến mục tiêu tăng trưởng về tài chính. Dân trí cao hơn có khả năng mang đến thu nhập tốt hơn hay GDP theo đầu người cao hơn. Dân trí cao hơn có khả năng đóng góp vào các ngành sản xuất và dịch vụ để tăng trưởng kinh tế, mang lại nguồn thu bằng tiền cho đất nước đó. Từ lúc còn nhỏ đến giờ mình chưa bao giờ nghe ai nói với mình rằng khi lớn lên, mình có thể lựa chọn bảo vệ môi trường hay làm việc trong ngành môi trường/năng lượng để đóng góp vào phát triển bền vững. Mình chỉ được dạy rằng lớn lên có thể làm bác sĩ cứu người, cảnh sát, luật sư, nhân viên ngân hàng,… Đó là thành công bởi khả năng tài chính tốt (và nhiều khi cả quyền lực) mang lại nhiều tiện nghi và sự thoải mái trong cuộc sống. Đồng thời nó cũng mang lại khả năng duy trì nòi giống, sinh con đẻ cái nhiều hơn. Rồi loài người tiếp tục “sứ mệnh” duy trì nòi giống và sinh con đẻ cái. Con cái họ tiếp tục tiêu thụ Trái Đất như thế. Bởi số người muốn tiêu thụ ngày càng nhiều mà số người muốn thay đổi nó không có bao nhiêu. Liệu Trái Đất cầm cự được đến bao lâu? Viết đến đây mới muốn tặc lưỡi chậc, phát triền bền vững bây giờ có lẽ cũng chỉ có thể duy trì Trái Đất lâu thêm một chút để cho con người tiêu thụ…

Sự phát triển mà nơi nơi người ta nhắm đến đó, sự phát triển mà chúng ta ở thế giới thứ ba hằng mong ước nhiều khi là một cái giá quá đắt. Khi các quốc gia phát triển đã lo được cho người dân của họ từ dân trí đến phát triển kinh tế. Họ bắt đầu thưởng thức nghệ thuật nhiều hơn và nghiên cứu để cứu lấy Trái Đất. Trong khi đó, các quốc gia phát triển đầu tư nhà máy, dây chuyền sản xuất và mọi thứ liên quan đến sản lượng ở các quốc gia đang phát triển. Vì nó rẻ hơn! Các quốc gia đang phát triển chưa thể lo được cho người dân của họ bởi quá đông dân. Họ bắt đầu nhận gia công, sản xuất, và làm việc cho các quốc gia phát triển. Bạn có xem phim tài liệu về khai thác nickel ở Ấn Độ, sản xuất túi Hermes ở Trung Quốc, hay thế giới quần áo cũ ở châu Phi? Nói cách khác, sự phát triển nhằm phục vụ tiện nghi cho một bộ phận loài người đồng thời huỷ hoại một bộ phận loài người khác và hủy hoại Trái Đất.

Tại sao những nước đang phát triển lại không thể phát triển theo hướng khác, một cách bền vững hơn? Tại sao phải đi theo con đường phát triển của các nước phát triển? Bạn có xem phim tài liệu về đất nước Bhutan hay Bắc Triều Tiên chưa? 

Hay là chúng ta cần một hội nghị bởi Liên Hiệp Quốc để định nghĩa lại phát triển?

Trong một lần nói chuyện với một người bạn thân, mình từng nói rằng mình không muốn có con vì người Việt Nam sinh đẻ nhiều quá. Người dân Việt Nam quá đông trong khi tất cả những thứ từ hạ tầng giáo dục đến kinh tế đều không thể kham nổi. Thêm một người trên Trái Đất này là thêm rác thải và ô nhiễm môi trường. Bạn mình cũng hơi sốc vì mình nghĩ xa quá, thế rồi nó cũng hiểu ý mình. Nghĩ lại thật cảm thấy may mắn khi tìm được những người bạn lắng nghe và tôn trọng ta như thế.

 

Sứ mệnh của chúng ta

Chúng ta không lựa chọn để được sinh ra. Chúng ta xuất hiện trên Trái Đất này và chúng ta sống.  Sau những cuộc cách mạng từ cách mạng nông nghiệp, cách mạng công nghiệp đến cách mạng số, loài người vẫn tiếp tục đuổi theo những tiện nghi và sự thoải mái trong cuộc sống. Chúng ta đang làm những công việc để phục vụ lẫn nhau. Đó là công việc để nuôi sống chúng ta. Và nếu thành công, chúng ta có thể sống sung túc hơn. Tất cả đều dựa trên những nguồn tài nguyên của Trái Đất và sự phục vụ lẫn nhau giữa người với người. Chúng ta được dạy bảo và nuôi lớn để làm những công việc phục vụ cho mục đích đó. Và thực tế phũ phàng khi xung quanh chúng ta lại có những mảnh đời sống khổ và những mảnh khác sống hạnh phúc hay tiện nghi hơn nhiều. 

Những người ra quyết định như vai trò lãnh đạo của các quốc gia khuyến khích phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và nâng cao đời sống (thêm tiện nghi) thì làm sao những cuốn sách hướng nghiệp lại định hướng cho con em chúng ta đi làm công nhân môi trường, nghiên cứu năng lượng bền vững, hay khởi nghiệp xử lý rác thải được. Bởi vậy không thể kêu gọi loài người từ bỏ công cuộc tìm kiếm sự phát triển này để tìm về Utopia. Utopia là một nơi lý tưởng, một thiên đường nơi con người sống hòa mình với thiên nhiên và mọi thứ đều an lành, bình đẳng. Có bao nhiêu người ủng hộ ý tưởng này? Utopia đến nay vẫn là viễn tưởng.

Những nỗ lực về phát triển bền vững từ các mô hình xử lý chất thải và sản xuất thân thiện với môi trường đến tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế rất đáng quý. Có bao nhiêu nguồn lực chúng ta đang dành cho việc này? Những lãnh đạo quốc gia có nghĩ đến điều này hay không? Tại sao bắt tôi, một người nhỏ bé giữa muôn trùng biển người này, nghĩ cao xa như vậy? Để tôi đi cắm cơm cho kịp bữa tối và nghĩ xem tối nay ăn gì đã. Không thể trách con người ta tiếp tục sống như thế khi phần lớn trong chúng ta vẫn cần lao động để sống sót. Đa số những người đến từ thế giới thứ ba như chúng ta vẫn đang cần phải kiếm cần câu để đi câu cá, thì sao trách được bản thân không màng đến biển cá có vơi đi hay đục nước một chút. Chúng ta phải có cần câu và phải kiếm được cá hàng ngày để sống được đã. 

Những nỗ lực về phát triển bền vững có lẽ vì vậy thường xuất phát ở các nước phát triển. Bởi phần lớn người dân của những đất nước này đã có cần câu tốt, họ không cần phải quá lắng lo về những con cá hàng ngày. Họ có thời gian và công sức đi nghiên cứu, tìm hiểu về môi trường và được đầu tư để làm điều đó. Nói lạc đề một chút thì điều tương tự cũng xảy ra với thưởng thức nghệ thuật.

Vậy sứ mệnh của chúng ta trong cuộc đời này là gì? Ai đó nói rằng “mình chỉ là chiếc lá, việc của mình là xanh.

Cá nhân mình rất thích câu nói này bởi tính hồn nhiên và vô tư. Nhiều lúc để hồn nhiên và vô tư trong khi bạn biết nhiều hơn thế là không dễ dàng chút nào. Bây giờ mình sống “xanh” như thế nào đây?

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s