Gần đây mình có đọc quyển “Dốc hết trái tim” và muốn chia sẻ một chút về cuốn sách này.
- Tên sách tiếng Anh: Pour your heart into it
- Tác giả Howard Schultz và Dori Jones Yang
- Bản dịch tiếng Việt của Võ Công Hùng
- Bản in lần thứ 24 năm 2022
Cảm nhận chung
Đúng như giới thiệu ở bìa sách, “Dốc hết trái tim” không phải là một cuốn self-help, bí kíp kinh doanh hay các gạch đầu dòng phân tích lý thuyết thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Cuốn sách này là câu chuyện về sự hình thành và phát triển của Starbucks được kể theo ngôi thứ nhất bởi Starbucks CEO Howard Schultz.
Dù sách được chia thành 3 phần theo sự phát triển của Starbucks, mới đầu đọc sẽ hơi khó hình dung vì chuyện kể không nhất quán theo dòng thời gian, thay vào đó là đan xen các sự kiện được chọn lọc phù hợp với chủ đề đang nói đến. Những phần đầu của cuốn sách này khiến mình chưa cảm thấy thu hút nhiều, thậm chí mình hơi có chút ấn tượng sáo rỗng khi tác giả liên tục nói về đam mê. “Sáo rỗng” bởi vì đam mê thường là những điều không được thể hiện bằng lời mà qua hành động. Về sau khi dòng thời gian và các sự kiện và bài học dễ theo dõi hơn, mình có thể hình dung rõ ràng hơn hành trình của tác giả và các câu chuyện xoay quanh thăng trầm của Starbucks. Mình bắt đầu hiểu hơn về đam mê của tác giả với cái cuối cùng gọi là sứ mệnh của Starbucks và số bài học về quản trị doanh nghiệp và con người.
Một số điều thú vị từ cuốn sách
Ngon nhất là cà phê arabica, đặc biệt là các loại trồng trên cao nguyên. Hạt cà phê arabica càng được rang sẫm màu thì hương vị càng ngon. Tuy nhiên, đa số các loại cà phê được bán ở siêu thị là robusta. Cà phê robusta không thể chịu được nhiệt mà dễ bị cháy nên không rang sẫm màu được. Một phần khác cũng vì khi rang hạt cà phê càng kỹ, khối lượng thành phẩm càng ít nên để có lợi nhuận cao hơn, các hãng cà phê đại trà thường chọn kiểu rang sáng màu hơn và hạt robusta.
Sự xuất hiện của Starbucks vào những năm 80 ở Mỹ là sự khởi đầu cho một loại hình kinh doanh cà phê và trải nghiệm thưởng thức cà phê mới ở Mỹ và có lẽ cũng là đầu tiên trên thế giới. Đây có thể gọi là thiên thời địa lợi. Người ta nói thời thế tạo anh hùng chứ anh hùng không thể tạo nên thời thế phải không? Xuất phát điểm này là một phần rất quan trọng trong thành công của Starbucks sau này. Và đây là điều cá nhân mình rút ra chứ không được nhắc đến bởi tác giả trong sách. Nội dung của sách chia sẻ nhiều hơn về các yếu tố khác dẫn đến thành công của Starbucks. Cá nhân mình thấy thời điểm “vàng” khi người Mỹ chưa có nhiều trải nghiệm với cà phê chất lượng cao và tại một không gian quán cà phê cộng đồng như ở Ý, thưởng thức cà phê ngon chủ yếu thuộc về một nhóm nhỏ người Mỹ sành cà phê nhiều hơn.
Quản trị doanh nghiệp khó, và đặc biệt khó khi doanh nghiệp lên sàn chứng khoán. Công việc của một người CEO khi lèo lái công ty với tầm nhìn và đảm bảo sự hài lòng của các cổ đông thật sự đòi hỏi rất nhiều. Khi mà thị trường chứng khoán nói riêng, và thị trường thông tin nói chung nằm ngoài tầm kiểm soát của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, việc ứng biến với các thay đổi cần rất nhiều năng lực từ CEO và bộ máy quản lý của công ty. Đồng thời qua lời kể chuyện trong sách, tác giả cũng phần nào giải thích được sự chuyển đổi của Starbucks từ một startup khởi nghiệp kinh doanh sang một công ty được quản lý bởi bộ máy chuyên nghiệp.
Con người là cốt yếu trong khi giá trị lớn một người mang lại không phải nhất thiết liên quan đến vị trí của họ trong công ty. Không hề nói quá khi nói thành công của Starbucks là nhờ tài năng của những người liên quan từ CEO đến bộ máy quản lý và cả những nhân viên thời vụ tại chính các cửa hàng Starbucks. Và Howard Schultz hiểu rõ điều này. Ông giải thích trong cuốn sách cách ông cố gắng giữ gìn các giá trị con người và trân trọng nhân viên công ty như thế nào. Có rất nhiều nhân vật từ quản lý đến nhân viên có năng lực chính là người đưa ra các ý tưởng và đóng góp rất lớn vào các phát minh, cải tiến, và sự phát triển của Starbucks qua từng giai đoạn. Sách có dành một phần lớn thời gian nói đến giai đoạn phát triển bùng nổ của Starbucks từ cuối những năm 90. Nhưng thật khá thú vị khi thấy theo lời kể của tác giả, sự phát triển quá nhanh chóng này mang rất nhiều rủi ro và khó nhăn, cuối cùng được lèo lái thành công khi Starbucks không mất đi giá trị cốt lõi và vẫn duy trì được sứ mệnh của nó.
Ngoài ra, sách có trích lời của Henry Wadsworth Longfellow (một nhà thơ người Mỹ) “Chúng ta đánh giá bản thân qua những gì chúng ta cảm thấy mình có thể làm được, trong khi người khác đánh giá chúng ta qua những gì chúng ta đã làm.” Với câu trích dẫn này, mình chỉ dừng lại ở đây và không bình luận thêm để bạn đọc có cách nhìn riêng của bạn.
Về Howard Schultz
Mình thấy Howard Schultz có 3 phẩm chất lý tưởng của một người làm kinh doanh mà người đọc có thể học được. 3 phẩm chất này không liên quan đến trí thông minh hay năng lực làm việc. Mình tin rằng chính 3 phẩm chất này đã góp phần không nhỏ vào thành công của Howard Schultz.
- Đam mê. Đam mê mang đến cà phê chất lượng với trải nghiệm tốt nhất theo văn hoá cà phê cộng đồng ở Ý. Mình không chắc câu vừa rối có tóm tắt được đầy đủ về đam mê của Howard Schultz khi xây dựng Starbucks hay không. Nhưng nó là một trong những điều được tác giả nhấn mạnh nhiều nhất trong sách như là sứ mệnh của công ty. Có lẽ nhờ thực sự mong muốn điều này, Howard Schultz mới có thể vượt qua những khó khăn trong hành trình của Starbucks. Trong cuộc sống thường ngày, “đam mê” thường nghe có vẻ sáo rỗng vì không phải ai cũng đủ năng lực, sự kiên nhẫn, và tầm nhìn dài hạn để theo đuổi một thứ gì đó như đam mê. Phải dành một chút lời khen cho người biên tập cuốn sách vì câu chuyện trong sách không hề nhàm chán với bất cứ lý thuyết sáo rỗng về kinh doanh nào, mà thực sự là kể chuyện. Câu chuyện có các yếu tố cảm xúc và mô tả thành công đam mê của Howard Schultz khi xây dựng Starbucks.
- Sự chân thành trong công việc. Một lần nữa, nội dung và cách kể chuyện của cuốn sách cho thấy sự chân thành của Howard Schultz. Chúng ta không biết được ở ngoài đời thực Howard Schultz là người như thế nào. Nhưng qua cuốn sách này, mình thấy sự chân thành là một phẩm chất rất đáng quý và chính nó đã góp phần vào việc tìm kiếm, giữ chân, và phát triển con người ở Starbucks. Chính nó đã giúp Howard Schultz xây dựng một đội ngũ quản lý và nhân viên có năng lực để đưa Starbucks qua sóng gió.
- Tầm nhìn xa. Từ lời kể chuyện ở ngôi thứ nhất của Howard Schultz, khi kể về những khó khăn, ông cũng giải thích về tầm nhìn của một người đam mê mang cà phê chất lượng cao và văn hoá cà phê phổ biến đến nhiều người trên thế giới, tầm nhìn của một người lãnh đạo công ty và quản lý con người, và tầm nhìn của một doanh nhân không ngừng làm mới mình. Thú thực mình nghĩ khi khó khăn ập đến, chúng ta phải làm tốt nhất như chúng ta có thể. Và sau đó, khi ngồi lại, chúng ta mới nhận ra điều mình làm lúc đó là đúng đắn. Tuy nhiên không thể phủ nhận những chiến lược hay hành động có tầm nhìn dài hạn của Howard Schultz và đội ngũ quản lý. Đây là một phẩm chất cần thiết của nhà quản trị kinh doanh.
Nếu để trả lời câu hỏi trên tiêu đề bài viết, Starbucks thời thế tạo anh hùng có phải không? Câu trả lời của mình là không. Cuốn sách này cho thấy nhiều sự khó khăn mà nếu không có “nhân hoà” thì “thiên thời địa lợi” có lẽ chỉ có thể tạo thêm hơn chục cửa hàng cà phê Peets ở Mỹ mà thôi. Cá nhân mình thấy, không thể phủ nhận những con người liên quan trong câu chuyện của Starbucks để nói thành công đến tay họ bởi thời thế được.
Sau hơn 480 trang sách, mình thấy khá thoải mái với những câu chuyện về doanh nghiệp được kể theo cách này. Mình học được về sản phẩm (cà phê), quản trị doanh nghiệp, và quản trị con người. Mình cũng học được từ chính tác giả. Có lẽ mình sẽ tìm thêm một số cuốn sách tương tự để đọc.
Ừm, trước giờ mình cũng chỉ mới uống vài ly Starbucks thôi, không phải fan cứng của Starbucks vì giá của nó cao hơn nhiều so với giá mình muốn trả cho một ly cà phê. Lâu lâu chắc uống một ly chứ không “đóng góp” gì vào cộng đồng này được rồi. Ngoài ra thì, mình có uống cà phê. Mình không chỉ uống mỗi trà.