Bao nhiêu người trong chúng ta đã từng tự ti vì mình không thể làm tốt bằng người khác? “Con nhà người ta” từ bao giờ đã trở thành đề tài ngưỡng mộ của các bậc tiền bối, và cũng là đề tài châm biếm của kẻ hậu bối?
Cuộc sống là một con đường dài với nhiều ngã rẽ khác nhau. Trên tay mỗi người chúng ta là một chiếc giỏ để đựng những gì ta gặt hái được trên đường. Trên vai chúng ta là một chiếc ba lô hành trang do gia đình chuẩn bị cho. Nhiều người có bánh mì, nước uống, hoa quả để sẵn trong đó phòng khi đói bụng. Có người còn được bố mẹ chuẩn bị cho lều bạt, chăn mền để nghỉ chân bên đường khi mệt mỏi. Có người được bố mẹ đi theo sát nút phòng khi cần “giúp đỡ”. Đa số mọi người lên đường với một chút nước uống và bánh quy. Trong khi đó, nhiều người chỉ có chiếc ba lô trống rỗng. Nhiều người đeo trên lưng lại không phải ba lô mà đang cõng gia đình mình. Nhiều người thậm chí còn chẳng có chiếc ba lô nào cả, chẳng có ai theo cùng cả! Thế rồi ai cũng tiến bước…
Và mỗi người rẽ theo một lối đi khác nhau trong trăm ngàn nẻo đường đời. Họ thi thoảng sẽ nghe gia đình phía sau lưng đang lèm bèm về “con nhà người ta”. Cũng sẽ đến cảnh chia ly với gia đình vì người thân không còn đủ sức dõi theo ta nữa. Ta nhìn sang những người xung quanh ở các lối đi gần nhất. Có anh kia rất thong dong lướt đi như bay với giỏ đã gần đầy đồ ngon. Chị nọ đi rất chậm nhưng giỏ cũng tràn ngập quả ngọt. Những người bạn vừa mới chia tay ta lúc nãy, giờ đã đi xa khuất tầm mắt, bỏ lại ta phía sau… Nhìn lại mình, giỏ đầy hoa xuyến chi, vài cục đá và giày thì đang lem nhem bùn đất mới dẫm phải lúc nãy. Muốn khóc quá!
Chúng ta đã không lựa chọn điểm xuất phát cho mình. Nhưng hành động mới là thứ quyết định vạch đích. Mỗi con đường sẽ có những hoa thơm, những trái ngọt, và bùn đất nằm ở những đoạn đường khác nhau. Nhưng bạn có biết anh ta đã cố gắng như thế nào, mỏi chân không dám kêu ai, đáy giỏ toàn đá với đất, bụng đói cồn cào nhưng hoa trái đạt được để dành cho người thân. Bạn có biết chị kia giày lấm đầy bùn đất và tay bê bết máu vì cố dấn vào bụi gai để hái hoa hồng. Có người đi rất xa rồi nhưng giỏ thì trống rỗng, chốc chốc lại giở bánh mì trong ba lô ra ăn “ui có đồ nhà làm vẫn ngon nhất”. Có người còn lê lết cái giỏ toàn đá với đất theo suốt cả chặng đường dài, giữ không sót cái gì.
…
Câu chuyện kể về một người cha nghiện rượu và hai đứa con. Mỗi lần ông bố nhậu say về lại đánh đập người mẹ và chửi bới chúng. Năm tháng trôi qua, người con thứ nhất trở thành cũng một kẻ nát rượu, bê tha và bạo lực với vợ con. Người còn lại là một luật sư. Anh đi tìm công lý cho những phụ nữ sống trong bạo lực gia đình và tích cực tham gia những dự án cộng đồng về phòng chống tác hại của bia rượu.
Một phóng viên tò mò đã hỏi hai người: Từ đâu khiến anh trở thành con người của anh ngày hôm nay? Ngạc nhiên hơn, cả hai người đều có cùng một câu trả lời: Có một người cha nghiện rượu, tất nhiên tôi sẽ trở thành người như vậy rồi.
Hoàn cảnh nhiều khi là điều xa xỉ. Chúng ta không có nhiều lựa chọn, và đôi khi không có bất kì lựa chọn nào. Chúng ta không lựa chọn hoàn cảnh gia đình, xuất thân, môi trường xã hội,… không được lựa chọn chiếc ba lô cho mình. Nhưng cách đón nhận và lớn lên là do chính ta quyết định. Chúng ta có thể mải so sánh với giỏ của người khác, dù không biết trong ba lô của họ có gì, để rồi than phiền mình thật kém may mắn. Chúng ta có thể ước ao chiếc giỏ của người khác mà không biết họ đã đổ mồ hôi, xương máu để đạt được nó như thế nào. Chúng ta cũng có thể so sánh với chính bản thân mình ngày hôm qua để phấn đấu cho hôm nay hái được nhiều hoa hồng hơn, hay chí ít là bỏ đi những đá và đất ra khỏi giỏ của mình.
Tại sao ta đi trên đường của mình nhưng luôn so sánh với người khác đang đi con đường của họ? Đó là khi so sánh trở nên khập khiễng. Khả năng cao rằng đa số chúng ta sẽ luôn biết một ai đó có giỏ đựng toàn những thứ ta mong muốn. Còn chúng ta thì sao? Bạn lượm được bao nhiêu hoa xuyến chi hay hoa hồng? bao nhiêu trái ngọt hay giày dính đầy bùn đất? Bạn thích quả ngọt nhưng không dám trèo lên cây cao? Bạn muốn hoa hồng nhưng sợ gai đâm chảy máu? Hôm qua bạn gặt hái được gì? Hôm nay bạn có đạt được gì thêm?
…
Tiêu đề bài viết về cách làm việc với những người giỏi hơn, mình đã lan man một lúc về việc so sánh và tự ti. So sánh không phải là điều tuyệt đối xấu và nên tránh. Mình sẽ nói thêm về mặt tích cực của so sánh ở Phần 2. Tâm lý so sánh là điều xảy đến rất tự nhiên ngay từ những bước đầu tiên trên con đường ta đi. Bạn không liếc nhìn người khác thì sớm muộn họ cũng xuất hiện đâu đó trước mắt bạn. Ghét thế chứ, ai bảo mình sinh ra giữa xã hội này. Mình mà ở giữa rừng rậm thì muôn thú không đời nào bằng được mình nhé.
Bạn biết được những người đó đã trải qua điều gì trên con đường của họ? Bạn biết được những gì sẽ trải ra trước mắt mình tiếp? Mải mê nhìn quanh và đặt những câu hỏi dìm bản thân, mình đã bỏ lỡ mất hiện tại. Hãy thẳng lưng, nhìn về phía trước và tập trung bước đi trên con đường của chính mình. Ngã đau rồi tự đứng dậy, nhớ giũ bỏ bùn đất ra khỏi giỏ. Giỏ nặng quá bởi nhiều đá và đất khiến ta đi chậm hơn và cũng sẽ không còn nhiều chỗ cho trái ngọt sau này.
Bởi phần lớn chúng ta là những người rất bình thường, hãy nhìn lại trong giỏ mình có gì, bạn tiếp tục con đường của chính mình hay mải mê nhìn sang những người khác rồi mếu máo?
Điều đầu tiên khi làm việc cùng những người khác, bao gồm cả người giỏi hơn ta, hãy ngưng những so sánh vô nghĩa đó đi.
One thought on “Làm việc với người giỏi hơn mình (Phần 1)”