Tại sao phim tài liệu? Bạn có thể đọc thêm bài viết trước của mình về phim tài liệu ở đây.
Tiếp tục tìm kiếm những phim tài liệu hay, mình xin giới thiệu với các bạn thêm 3 bộ mình xem gần đây.
1) 13TH | FULL FEATURE | Netflix
Nước Mỹ cũng có những mặt tối và một lịch sử nhiều đau khổ vẫn còn dai dẳng đến hiện tại. Bạn còn nhớ cái chết của George Floyd cách đây mấy tháng? Đúng vậy, mình đang nói về cuộc chiến phân biệt chủng tộc mà nạn nhân là những người da màu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để có ngày hôm nay, nước Mỹ đã phải trả những cái giá nhất định. 13TH là một trong những documantaries hay nhất của Netflix trong những năm gần đây, và thật may Netflix đã chủ động chia sẻ lên Youtube, miễn phí cho tất cả mọi người.
Nhờ bộ phim tài liệu này, mình mới biết đến sự tồn tại của “the business of punishment”, “economics of incarceration”, “the prison industry”, “capitalist punishment” v.v..v Trước khi xem, bạn có thể cân nhắc vì phim sẽ có một số hình ảnh graphic như bạo lực và cái chết. Vậy mới thấy ngưỡng mộ những người đã đứng lên đấu tranh khi họ trải qua khổ đau không kém các nước thuộc địa bị áp bức ở các thế kỷ trước.
“Giấc mơ Mỹ” gắn liền với tự do. Con người được tôn trọng và có nhiều cơ hội để phát triển. Luật pháp có thể thay đổi theo hướng tích cực hơn nhờ hai động lực chính. Một là sự cạnh tranh giữa nhiều phe phái chính trị. Họ sẽ tìm mọi cách để giải quyết vấn đề của người dân, để được người dân bầu chọn làm đảng nắm quyền. Hai là nền giáo dục tiến bộ, khuyến khích critical thinking, sẽ tạo ra nhiều công dân có nhận thức tiến bộ. Chính những công dân đó sẽ là người khởi tạo phong trào và làm nên những kỳ tích. Lịch sử của nước Mỹ đã chứng minh như thế.
Thay đổi về luật có thể tính theo thập kỷ. Vậy còn định kiến? Tại sao sau tất cả những nỗ lực như vậy, nước Mỹ vẫn còn phân biệt chủng tộc ngày hôm nay? Những định kiến ăn sâu vào trong nhận thức của người ta thật khó có thể thay đổi. Nền giáo dục tiến bộ có thể giáo dục công dân của họ, nhưng nhiều như chúng ta có thể nhìn thấy, phân biệt đối xử vẫn còn ở đó. Con người suy cho cùng vẫn là con người.
Phần còn lại các bạn hãy xem phim và tự có cảm nhận riêng nhé.
2) It’s a Girl (FULL MOVIE)
Người ta có quyền lựa chọn hi sinh cho người mà họ cảm thấy xứng đáng. Nhưng hàng chục triệu người cùng lựa chọn hi sinh. Họ là những phụ nữ Việt Nam qua nhiều thế hệ. Có quá không khi nói vì chúng ta là sản phẩm của nền một nền giáo dục cũ? Sinh ra và lớn lên trong môi trường khi xung quanh toàn là những người mang tư tưởng cũ, không thể trách phụ nữ ở các thế hệ cũng suy nghĩ giống cộng đồng của họ. Họ có thể thấy hạnh phúc và coi làm niềm vui khi “hi sinh” cho người thân.
Bạn đã bao giờ thấy bà, mẹ và chị em gái mình khóc chưa? Khóc vì hạnh phúc? Không phải nó… Đúng rồi, khóc vì tủi thân, vì đau khổ, vì bất lực. Chính họ cũng không biết mình có những lựa chọn khác khi giáo dục từ môi trường xung quanh từ lâu đã đóng khung nhận thức của họ. Và bạn biết rồi, thay đổi nhận thức rất khó. Phát triển như nước Mỹ vẫn còn phân biệt chủng tộc, huống gì chúng ta, với một nền giáo dục cồng kềnh thất bại, chúng ta sẽ còn mất rất nhiều thời gian.
Lan man một lúc chưa nói vào bộ phim chính. It’s a girl là bộ phim tài liệu nói về việc người dân Ấn Độ và Trung Quốc chỉ muốn có con trai và xã hội của họ đã trải qua những gì. Ở Ấn Độ, định kiến với con gái không chỉ xuất phát từ khó khăn kinh tế, chính tập quán của họ đã tước đi vị thế người phụ nữ trong xã hội. Ở Trung Quốc, sự khắt khe của chính quyền để kìm hãm bùng nổ dân số lại góp phần vào bi kịch của người dân. Không có tập quán về của hồi môn, ngay cả chính sách hai con vài thập kỷ trước cũng không có nhiều ảnh hưởng đến quyết định sinh con của các gia đình Việt Nam. Đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại từ rất nhiều thế hệ trước.
Mình không có hiểu biết về phong trào nữ quyền (feminism) nhưng mình chắc chắn một điều rằng mọi người đều bình đẳng dù thuộc giới tính nào. Mình chỉ mong các thế hệ 8x, 9x và sau này, những người có cơ hội tiếp cận giáo dục tự nguyện tốt hơn, có thể nhận thức cởi mở và tiến bộ hơn.
Một là làm tốt hơn việc giáo dục con người. Chỉ có giáo dục tốt hơn mới giúp cá nhân hiểu được rằng cuộc sống có nhiều hơn cộng đồng xung quanh mình, cuộc đời mình có nhiều hơn định kiến mà xã hội này áp đặt. Hãy tự giáo dục bản thân và nắm lấy quyền lựa chọn của chính mình.
Hai là tôn trọng quyền lựa chọn và quyết định của ngườik hác. Giáo dục các thế hệ mới tôn trọng lẫn nhau bất kể giới tính nào. Tôn trọng thể hiện ở việc “trả” quyền lựa chọn về với mỗi cá nhân. Hãy tôn trọng người khác và ngừng can thiệp vào cuộc sống của họ.
3) The Corporation – Feature, Documentary
Ước gì mình xem được phim tài liệu này sớm hơn.
Phim được thực hiện dựa trên cuốn bestseller của Joel Bakan: The Corporation: The Pathological Pursuit of Profit and Power. Họ nói phần mới của phim tài liệu này chuẩn bị ra mắt. Mình sẽ lục tìm xem và chia sẻ với các bạn nếu thấy hợp lý.
Kinh doanh và kiếm lợi nhuận không có gì sai. Lịch sử đã cho thấy các tập đoàn doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới ra đời vì mục đích giải quyết một vấn đề nào đó và phục vụ cho con người. Và chúng ta phải công nhận rằng các phát minh của doanh nghiệp đã góp phần thiết yếu vào sự phát triển của nhân loại. Nhưng khi mục đích kiếm lợi nhuận lớn hơn lợi ích của người tiêu dùng, bất chấp sức khỏe con người, đạo đức, và môi trường, chúng ta sai rồi.
Nhờ bộ phim tài liệu này, chúng ta sẽ hiểu thêm về mối quan hệ manipulative của các tập đoàn kinh doanh đối với luật pháp của đất nước được mệnh danh là “thiên đường tự do”. Đây có lẽ là bài toán lớn thứ hai của nước Mỹ khi mà phần lớn các tập đoàn không lồ trên thế giới nằm ở đây.
Bài toán thứ nhất chính là nạn phân biệt chủng tộc đã nói ở trên. Bài toán thứ ba thực ra là bài toán của cả thế giới. Nhưng bạn biết đấy, làm gì có bài tập nhóm nào được hoàn thành bởi tất cả thành viên nhóm một cách đồng đều. Nước Mỹ là “học sinh giỏi” và uncle Ben nói rằng “with greater power comes great responsibilities”. Liệu nước Mỹ sẽ giải được bài toán Covid-19 trước chứ?
Các bạn có phim tài liệu hay hãy chia sẻ nhé. Chúc các bạn có thời gian xem Youtube bổ ích.