Đọc sách
Ở trên mạng có nhiều người chia sẻ cách đọc nhanh, tôi đã học được gì khi đọc mỗi ngày một cuốn sách, làm sao để đọc mỗi tuần một cuốn sách, v.v..v. Một số người đọc nhiều có thể đọc đến hàng trăm quyển sách mỗi năm. Sắp trầm cảm trước tất cả những thông tin đó, mình mất một thời gian dài đau khổ khi biết không ai trả tiền cho mình nằm ở nhà đọc sách cả ngày.
Mình nhận ra rằng việc đọc cũng tùy theo sở thích và khả năng của mỗi người. Nếu xem việc đọc sách là một thói quen hoặc sở thích, chúng ta cần cân nhắc vì mỗi người có những ưu tiên riêng trong cuộc sống. Thời gian có hạn và sức người cũng vậy. (Bạn có thể đọc thêm bài mình viết về sở thích ở đây)
Khả năng ghi nhớ và ứng dụng cũng khác với việc đọc. Chúng ta có thể cố gắng đọc nhiều về số lượng hoặc đọc theo tùy thích và chú ý vào chất lượng. Có lẽ với những người có khả năng ghi nhớ tốt, và đọc nhanh hơn tốc độ trung bình, thật tốt họ có thể đọc nhiều hơn như họ muốn. Nhưng chúng ta vừa không có nhiều thời gian cho việc đọc sách, lại chưa chắc đọc nhanh. Vậy nên hãy đọc có chọn lọc những gì chúng ta muốn. Không cần phải lo lắng.
1 nguyên tắc
Có nhiều cách trình bày đoạn văn như diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, song hành, so sánh, móc xích, v.v..v. Trong đó, thường thấy trong các cuốn sách self-help là 4 cách sau.
Đoạn văn diễn dịch: có câu chủ đề mang ý nghĩa khái quát đứng ở đầu đoạn, các câu còn lại triển khai cụ thể ý của câu chủ đề, bổ sung, làm rõ cho câu chủ đề.
Đoạn văn quy nạp: được trình bày đi từ các ý nhỏ đến ý lớn, từ các ý chi tiết đến ý khái quát, từ ý luận cứ cụ thể đến ý kết luận bao trùm. Câu chủ đề nằm ở vị trí cuối đoạn nhằm khép lại nội dung của đoạn.
Đoạn văn tổng phân hợp: là đoạn văn phối hợp diễn dịch với quy nạp. Câu mở đầu đoạn nêu lên chủ đề trong khi các câu tiếp theo triển khai cụ thể. Kết thúc đoạn văn là câu kết mang ý nghĩa khái quát, nâng cao, mở rộng câu chủ đề lúc đầu.
Đoạn văn song hành: không có câu chủ đề. Các câu triển khai nội dung song song nhau, không nội dung nào bao trùm lên nội dung nào. Mỗi câu trong đoạn văn nêu một khía cạnh của chủ đề đoạn văn, làm rõ cho nội dung đoạn văn.
Bạn có thấy chút quen thuộc nào không? Đúng rồi, bọn mình được học về điều này trong những năm học Văn thời phổ thông. Mình cũng không phải người học tốt Văn, đọc tiếp bạn sẽ hiểu mình.
Thật thú vị ở chỗ mình chỉ nhận ra cách tác giả viết đoạn văn có gì đó rất quen thuộc khi điên cuồng lao vào đọc sao cho nhanh. Rồi phải đọc lại cả đoạn từ đầu. Mình nhận ra có khi cả một đoạn văn dài chỉ phân tích ví dụ để chứng minh cho câu mở đầu của đoạn đó. Aha!
3 lý do
Vậy việc này có ý nghĩa gì? Dù mình cũng tập viết blog được một thời gian, việc hiểu cách triển khai đoạn văn giúp việc đọc nhiều hơn so với viết của mình. Mình đọc nhanh hơn một cách rất nhẹ nhàng, không còn khổ sở đọc từng chữ, hiểu từng câu như lúc trước. Mình biết đọc câu đầu, câu cuối, hay đọc lướt qua ví dụ, bỏ qua tên riêng, bỏ qua con số, v.v..v. Xin nhắc lại, chúng ta đang nói về sách self-help, không phải sách truyện hay các sách khác.
Hiểu được cách triển khai đoạn văn của tác giả không chỉ giúp mình đọc nhanh hơn, tư duy logic cũng tốt hơn. Có những chủ đề khá phức tạp yêu cầu tác giả phải phân tích bằng rất nhiều phần khác nhau. Mỗi phần nhỏ lại chia thành các ý. Mỗi ý được triển khai bằng một hoặc thậm chí nhiều đoạn văn. Vậy nên nếu chúng ta không hiểu được cách triển khai ý, sẽ rất dễ “đọc trước quên sau”, hay bị lạc giữa chừng. Như vậy sẽ vất vả cho chúng ta để hệ thống lại nội dung đã đọc và theo kịp tác giả, mặc dù những điều tác giả muốn “nói” đều nằm ngay trước mắt, ta luôn có thể đọc lại.
Khi hiểu được bố cục nội dung của sách, tư duy rõ ràng và đọc nhanh hơn, chúng ta có nhiều thời gian để suy ngẫm đối chiếu với bản thân. Đối chiếu với bản thân để áp dụng những gì học được trong sách vào cuộc sống của mình. Những bài học đó không phải lúc nào cũng rõ ràng và hữu hình như “nụ cười có thể tạo ra phản ứng dây chuyền.” Có thể là khi bạn nhận ra việc không hòa nhập với bạn bè không làm cuộc đời bạn thê thảm như bạn nghĩ. Bạn hiểu càng nhiều về chính bản thân, bạn càng tự do. Nếu không đối chiếu với bản thân và ứng dụng kiến thức trong sách cho chính mình, đọc sách self-help không có ích.
Tóm tắt 3 lý do việc hiểu cách triển khai đoạn văn giúp chúng ta đọc sách self-help tốt hơn như sau:
- Tư duy hệ thống về cách triển khai chủ đề trong sách, và theo dõi tác giả tốt hơn
- Đọc nhanh hơn mà vẫn nắm được giá trị của sách
- Tiết kiệm thời gian để dành cho việc suy ngẫm và ứng dụng cho bản thân
Các cách triển khai đoạn văn như trên không chỉ được dùng trong sách self-help. Gần như tất cả các giao tiếp bằng đoạn văn đều sử dụng chúng: viết sách, viết báo, viết blog, v.v..v. Hiểu được điều này, bạn có thể tăng tốc độ đọc lên đáng kể và phát triển khả năng tư duy hệ thống.
Lưu ý đừng áp dụng điều này với sách truyện. Vì bản chất mang tính khơi gợi cảm xúc của người đọc, cách tác giả viết truyện khác với cách viết sách self-help hay viết báo. Bỏ qua các chi tiết trong sách truyện có thể làm mất đi giá trị nghệ thuật của nó.
Cuối cùng, sách self-help vô vàn nhưng không phải cuốn nào cũng đáng đọc. Có rất nhiều tác giả best-seller thực tế chỉ viết theo quan điểm cá nhân, và quan điểm đó nhiều mùi tiền hơn mùi giấy. Các bạn hãy cảnh giác! Hãy tỉnh táo khi chọn và đọc sách self-help.